Tuyến đường thủy trên sông Đà hiện có 27 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Tại khu vực hạ lưu có 22 cảng, bến, trong đó, 19 cảng, bến bốc xếp hàng hóa thông thường, 3 bến đò ngang. Qua rà soát, 5 bến có giấy phép hoạt động, 8 bến hết hạn giấy phép, 6 bến không có giấy phép. Trên tuyến lòng hồ Hòa Bình có 2 cảng, 3 bến. Ngoài ra, có các bến dân sinh tự phát và bến do các chủ đảo, đền, khu nghỉ dưỡng xây dựng để các phương tiện ra, vào đón khách. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh trật tự, đồng thời là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Cán bộ, chiến sỹ Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh
bám nắm địa bàn, tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống tội phạm,
giữ bình yên sông nước vùng hồ Hòa Bình.
Thời gian qua, để làm tốt công tác quản lý nhà nước cũng như bảo đảm an ninh trật tự trên tuyến, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, chuyên đề trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy và đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động đường thủy. Trung tá Trần Xuân Toàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Tuyến đường thủy trên sông Đà qua địa phận tỉnh Hòa Bình có nhiều phương tiện thủy tham gia hoạt động, từ đó tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự cũng như có những tác động, ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện thủy trên tuyến. Với tinh thần chủ động khắc phục mọi khó khăn, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã tập trung nhân lực, phương tiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong đó, thực hiện có hiệu quả kế hoạch tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông tuyến đường thủy nội địa sông Đà mùa lễ hội; tổ chức rà soát, kiểm tra an toàn đối với phương tiện thủy nội địa chuyên chở khách; xác định các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, sự cố trên tuyến đường thủy nội địa và xây dựng phương án tổ chức cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn; đấu tranh hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trên tuyến; tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về quản lý, khai thác cảng, bến thủy nội địa trên các tuyến sông của tỉnh...
Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng địa bàn giáp ranh kịp thời phát hiện, bắt giữ 5 phương tiện thủy có hành vi khai thác cát, sỏi trái phép tại khu vực hạ lưu sông Đà, giáp ranh giữa tỉnh Hòa Bình và thành phố Hà Nội, giải quyết triệt để tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép khu vực hạ lưu và các khu vực, địa bàn giáp ranh. Cùng với đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm 2025, lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã phát hiện, lập biên bản 121 trường hợp vi phạm, xử phạt tổng số tiền trên 850 triệu đồng; phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phá 1 chuyên án đánh bạc trái phép trên lòng hồ; phát hiện, bắt giữ 4 vụ tàng trữ, sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản trái phép trên khu vực lòng hồ và hạ lưu sông Đà; vận động người dân tự giác giao nộp 1 khẩu súng săn bắn đạn ghém cỡ nòng 12mm. Đặc biệt, từ việc làm tốt công tác quản lý phương tiện, cảng, bến thủy và hoạt động tại các cảng, bến thủy nội địa nên không để xảy ra tai nạn giao thông, va chạm giao thông đường thủy.
Để đạt được những kết quả trên, theo Trung tá Trần Xuân Toàn là do đơn vị đã làm tốt công tác phòng ngừa, cũng như kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, đơn vị tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, Luật Giao thông đường thủy nội địa đến người dân ở các địa bàn, khu vực giáp ranh, chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện hoạt động trên tuyến. Phát động sâu rộng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào "Vì bình yên sông nước”. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng lên; quần chúng nhân dân cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho lực lượng chức năng đấu tranh, phát hiện, phòng chống có hiệu quả với tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến đường thủy thuộc địa bàn tỉnh.
Mạnh Hùng (Theo HBĐT)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận