Cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Dự kiến, Chương trình sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp
Hiện nay, tình hình ma túy thế giới, khu vực và các nước láng giềng diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng mạnh về cả nguồn cung và nguồn cầu, tác động trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ, áp lực đối với công tác phòng, chống ma túy ở nước ta.
Trong nước, tình hình ma túy diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thường xuyên thay đổi, gia tăng sử dụng công nghệ cao, triệt để lợi dụng thành tựu, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật, công nghệ, Internet, không gian mạng để thực hiện các hành vi phạm tội, sẵn sàng trang bị các loại vũ khí quân dụng, manh động, sẵn sàng chống trả và gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025, Bộ Công an đã đấu tranh, bắt giữ hơn 76.600 vụ, hơn 115.800 đối tượng, trên 12.700 kg ma túy các loại.
Ngoài ra, số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn cao. Đến ngày 14/2/2024, toàn quốc có 223.715 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy (chiếm 0,23% dân số cả nước); trong đó có 1.459 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá”.
Tỷ lệ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa, từ 18-30 tuổi có 55.803 người (chiếm 33,2%), từ 30 tuổi trở lên có 110.765 người (chiếm 65,98%). Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc chiếm tỷ lệ rất cao (8.865/10.598 xã, phường, thị trấn, chiếm 83,7%).
Tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy
Từ những hệ lụy xã hội do tệ nạn ma túy gây ra cho thấy, ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, là một trong những nguyên nhân làm phát sinh, gia tăng các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định, phát triển, an ninh, an toàn của đất nước. Ma túy hiện nay trở thành một trong những nguy cơ đe dọa đến vấn đề an ninh quốc gia, nổi lên là nguy cơ các đối tượng sử dụng phương thức thủ đoạn mua chuộc, kích động số người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, đối tượng phạm tội về ma túy để tham gia thực hiện các hoạt động như khủng bố, phá hoại, thậm chí bạo loạn, phá rối an ninh ở trong nước...
Theo thống kê của Bộ Công an, từ khi triển khai Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đến nay, có 22.099 người nghiện ma túy vi phạm pháp luật bị phát hiện, xử lý hành chính, 10.183 người phạm tội. Đáng chú ý, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa dương tính với chất ma túy tiếp tục gia tăng; giai đoạn 2021-2023, lực lượng Công an đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 6.555 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy.
Bên cạnh đó, nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước; thiệt hại trực tiếp từ việc họ sử dụng ma túy ước tính trên 150,5 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Đa số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong độ tuổi lao động (hơn 98% trên 18 tuổi) nhưng lại mất khả năng hoặc giảm sút khả năng, năng suất lao động. Cùng với đó, cần một khoản ngân sách rất lớn mà Nhà nước phải đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy.
Ngoài những lý do từ áp lực thực trạng tình hình ma túy nêu trên, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 được xây dựng nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác phòng, chống ma túy, cần đầu tư công của quốc gia trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy.
Đồng thời, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 cũng phù hợp với chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống ma túy của đất nước.
Nhật Nam ( Theo https://baochinhphu.vn/can-thiet-xay-dung-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận