Cần thiết để ngăn chặn “văn bản trên trời”
Nếu ban hành sai sẽ gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực, làm xáo trộn mọi mặt đời sống. Chính vì vậy, việc dự thảo Luật Ban hành VBQPPL sửa đổi đề xuất truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức là rất cần thiết để ngăn chặn những “văn bản trên trời”.
Trong kỳ báo cáo tính từ ngày 22-9-2023 đến 21-8-2024, số VBQPPL có nội dung quy định trái pháp luật, chưa đúng thẩm quyền hoặc văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật đã được Bộ Tư pháp kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý 138 văn bản trên tổng số 2.948 văn bản đã tiếp nhận, trong đó có 42 văn bản của cấp bộ và 96 văn bản do địa phương ban hành.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ sự dễ dãi, hời hợt của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền ban hành VBQPPL; thực hiện không nghiêm các quy định của Luật Ban hành VBQPPL và các văn bản liên quan; việc xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan chưa kịp thời, thiếu nghiêm minh. Bên cạnh đó, tuy Luật Ban hành VBQPPL hiện hành đã có quy định về trách nhiệm của các chủ thể trong công tác xây dựng pháp luật nhưng các quy định này còn rải rác, chưa thực sự rõ ràng. Các quy định về xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật cũng như việc không kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật và khắc phục hậu quả do áp dụng văn bản trái pháp luật gây ra chưa cụ thể, chưa đầy đủ.
![Cần thiết để ngăn chặn “văn bản trên trời”](https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/02/14/upload_2058/34.jpg?dpi=150&quality=100&w=870)
Khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật Ban hành VBQPPL (được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín của Quốc hội lần này) đã thể hiện rõ việc đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo. Cụ thể là khoản 10, Điều 68 dự thảo đề xuất quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm tiến độ trình văn bản hoặc ban hành VBQPPL theo thẩm quyền; trình hoặc ban hành VBQPPL trái pháp luật; để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp đã giao cấp phó của mình chịu trách nhiệm trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật, trừ trường hợp có quy định được loại trừ trách nhiệm.
Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đồng thời phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện công tác xây dựng, ban hành VBQPPL ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mình. Kết quả thực hiện là căn cứ để đánh giá, xét thi đua-khen thưởng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đứng đầu có thể bị xử lý theo quy định của Đảng, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dự thảo cũng đề xuất quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức và công chức được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí trong công tác xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành VBQPPL”.
Tôi đánh giá cao đề xuất này, vì nó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, tạo ra cơ chế giám sát và xử lý nghiêm minh, từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống pháp luật. Việc quy định trách nhiệm cụ thể sẽ thúc đẩy người đứng đầu cơ quan, tổ chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các VBQPPL. Tuy nhiên, để đề xuất này được thực thi hiệu quả, cần bổ sung các cơ chế giám sát độc lập, bảo đảm tính minh bạch và khách quan trong quá trình đánh giá, xử lý vi phạm. Đồng thời, cần có quy định rõ ràng về việc miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người đứng đầu nếu họ đã kịp thời áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm. Việc này nhằm khuyến khích sự chủ động, tích cực trong công tác quản lý, đồng thời bảo đảm công bằng và hợp lý trong việc xử lý trách nhiệm.
Luật sư LÊ VĂN LÊN, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh
Theo https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/can-thiet-de-ngan-chan-van-ban-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận