Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Cả chính quyền và người dân đều phải nhanh chóng thích ứng
Việc thay đổi cách thức quản lý từ thủ công sang phương thức hiện đại bằng dữ liệu điện tử, không chỉ đòi hỏi cơ quan chức năng phải nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, thiết bị để triển khai trong thực tiễn, mà mỗi người dân phải nhanh chóng làm quen và nâng cao kỹ năng số của chính mình.
Chính phủ quyết định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú, chứng minh nhân dân và nhiều thủ tục hành chính có liên quan để thống nhất quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân, là quyết định mang tính chất đột phá, vì dân, vì sự phát triển. Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương vẫn chưa hoàn tất dẫn đến một số khó khăn, vướng mắc khi người dân đi làm thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa làm quen với môi trường mạng khi thực hiện các giao dịch nên còn lúng túng khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Đa số người dân đều cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý dân cư bằng mã định danh cá nhân theo Luật Cử trú sửa đổi năm 2020 là chủ trương đúng, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả Nhà nước và công dân. Đây là bước tiến vượt bậc, giảm nhiều gánh nặng phiền hà liên quan đến các thủ tục hành chính cho người dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính trong thời gian vừa qua phát sinh một số vướng mắc, bất cập, phổ biến là các thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử, kết hôn và địa chính đều phải cung cấp sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ, tài liệu xác nhận về nơi cư trú trong quá trình thực hiện.
Một trong những nguyên nhân chính khiến các cơ quan hành chính nhà nước vẫn yêu cầu giấy xác nhận nơi cư trú là do hầu hết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của các bộ, ngành đều quy định như vậy. Đồng thời, một số thủ tục khi giải quyết còn gặp vướng do cơ sở dữ liệu chưa có sự liên thông, kết nối.
Phía cơ quan công an cho biết, phần lớn trường hợp người dân ở Hà Nội phải đến công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú là có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn. Trong khi nhóm đối tượng này thường xuyên có biến động về chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết. Cùng với đó, dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành Tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện thành phố Hà Nội cũng như các địa phương khác trong cả nước đang nỗ lực số hóa, kết nối dữ liệu hộ tịch với dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an để phục vụ người dân. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành ứng dụng, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy theo đúng Luật Cư trú.
Bà Nguyễn Thanh Nga, Phó trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố đã kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chúng tôi rất mong muốn khi các dữ liệu được chia sẻ kết nối, khi đó việc thực hiện hoàn toàn bỏ những thông tin trong sổ hộ khẩu hoặc là những thông tin về cư trú của công dân sẽ thuận lợi hơn và tránh được những vướng mắc khi có những thông tin chưa kịp thời cập nhật”.
Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư cho rằng, việc phường chưa được trang bị hệ thống máy đọc chip dẫn tới không thể khai thác thông tin trên thẻ căn cước công dân thì cán bộ tiếp dân hoàn toàn có thể khai thác thông tin của công dân trên mặt thẻ bằng việc đọc thủ công. Với một số thủ tục bắt buộc phải có thông tin chính xác về nơi thường trú ở thời điểm hiện tại, cán bộ tiếp dân có thể sử dụng 1 trong 7 phương thức mà Bộ Công an đã hướng dẫn, trong đó khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua tài khoản dịch vụ công của người dân hoặc tài khoản của chính cán bộ tiếp dân. Vì vậy, cán bộ không nhất thiết phải yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận cư trú.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, cần khẩn trương điều chỉnh lại, tái cấu trúc lại các dịch vụ công trực tuyến có sử dụng các thông tin này để cắt bỏ. Thứ hai là đối với những thủ tục nộp trực tiếp thì không yêu cầu xuất trình các giấy tờ là bản sao căn cước công dân, bản sao hộ khẩu và đặc biệt là không sử dụng phiếu thông tin dân cư đối với đơn vị đã được kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư vì chúng ta đã có trên hệ thống rồi. Thứ ba là phải tập trung vào tuyên truyền để người dân biết là hiện nay có 21 thủ tục hành chính, các thủ tục này thì dân không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu”
Hiện Bộ Công an đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai số hóa dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu dùng chung bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin theo quy định để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của người dân thay cho yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự. Người dân cần phải làm quen với việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nói: “Khi chúng ta đã có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đây chính là quyển sổ điện tử quốc gia người dân cần phải thành thạo nắm được mình phải làm gì. Nếu muốn vào được cổng dịch vụ công quốc gia để tra cứu các thông tin của mình, người dân phải có công nghệ số. Bên cạnh đó, người dân phải làm ngay tài khoản định danh điện tử mức 1. Với tài khoản định danh mức 1, người dân có thể ngồi ngay tại nhà có thể làm được chứ không phải đến cơ quan công an để quen dần với các kỹ năng số. Hiện tổ đề án 06 của Chính phủ cũng đã giao cho các địa phương tập trung rà soát, đánh giá lại những phản ứng của người dân, việc hành xử của công chức để chúng ta kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong giai đoạn đầu của quyển sổ hộ khẩu điện tử”.
Việc thay đổi cách thức quản lý từ thủ công sang phương thức hiện đại bằng dữ liệu điện tử là cả một cuộc chuyển mình lớn không chỉ đòi hỏi cơ quan, chức năng phải nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn, thiết bị để triển khai trong thực tiễn, mà cũng đòi hỏi mỗi người dân phải nhanh chóng làm quen với phương thức mới, nâng cao kỹ năng số của chính mình. Cùng với Chính phủ số, xã hội số cần có những công dân số. Đồng thời các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hạ tầng về hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn về thông tin; phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện các giải pháp kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để ứng dụng giải quyết các thủ tục hành chính để phục vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận