Bạo hành trẻ em phải bị trừng trị nghiêm minh
Sự tàn ác và dã man trong những vụ bạo hành trẻ em xảy ra thời gian qua vượt qua sự tưởng tượng của mọi người. Đó là do sự suy thoái về đạo đức hay sự thờ ơ vô cảm trong xã hội?
Dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ trước những vụ án bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Những đứa trẻ đáng lẽ được sống trong sự yêu thương, nâng niu lại phải chịu những trận đòn roi kinh hoàng trong chính ngôi nhà mình sinh sống như vụ bé gái 8 tuổi bị nhân tình của cha bạo hành đến tử vong hay gần đây là vụ bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 chiếc đinh găm vào hộp sọ.
Đáng tiếc, những vụ việc nghiêm trọng như vậy đang có xu hướng tăng lên. Điều đó khiến tất cả chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao và làm thế nào để ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em?
Điều cần thiết nhất là phải tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Thực hiện tốt công tác tư vấn, tham vấn học đường và phát huy vai trò của công tác đoàn, đội, hội. Cha mẹ phải là tấm gương để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, cần có sự phối hợp trong giám sát thực hiện hệ thống pháp luật, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đáp ứng các nhu cầu chăm sóc và bảo vệ an toàn cho mọi trẻ em. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội để phát hiện và can thiệp kịp thời, giúp giảm thiểu tình trạng bạo hành trẻ em dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra trong thời gian qua.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp cho biết: Đối với hành hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm các tội sau: (Điều 134) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (Điều 128) Tội vô ý làm chết người; (Điều 123) Tội giết người; (Điều 140) Tội hạnh hạ người khác. Cụ thể, Điều 140 quy định như sau:
"Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.”
Ngoài ra, tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại mà người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể đối diện với các mức án (ngồi tù, chung thân, tử hình). Cụ thể:
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm c khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự);
- Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự);
- Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự)./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận