9 tháng cả nước xử lý 12.300 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu
Chiều nay (18/10), tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị giao ban quý III và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong quý III, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý gần 43.000 vụ việc vi phạm, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có hơn 7000 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 35.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; hơn 800 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, xử phạt vi hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng, tăng hơn 58% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số vụ việc được phát hiện, xử lý có quy mô lớn hơn, tính chất phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, xu hướng chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang lợi dụng pháp nhân để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã xuất hiện thủ đoạn mới, tinh vi hơn: "Thứ nhất tình trạng hiện nay buôn lậu không phải hoạt động như trước đây nữa. Trước đây hoạt động vận chuyển hàng hoá công khai qua biên giới, qua đường mòn lối mở, hiện nay chủ yếu lợi dụng thành lập doanh nghiệp, mở tờ khai, nhập khẩu hàng hoá qua đường chính ngạch. Đây là một trong những thủ đoạn đối phó rất tinh vi.
Thứ hai lợi dụng các doanh nghiệp được ưu đãi, doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp lắp ráp trên địa bàn của Việt Nam, rồi sản xuất pin năng lượng mặt trời, một số mặt hàng khác thực chất là để hoạt động buôn lậu, rồi xuất khẩu hàng hoá đó sang Mỹ và EU để lẩn tránh xuất xứ và trốn thuế.
Thứ ba là xăng dầu, vàng, và vận chuyển tiền tệ, thay đổi phương thức thủ đoạn liên tục, mất rất nhiều công sức thì tôi thấy cái đó rất phức tạp. Tới đây khi Trung Quốc mở cửa và hết Covid -19 thì nguy cơ bùng nổ buôn lậu mà nhất là những tháng cuối năm này rất hiện hữu tôi đề nghị các lực lượng phải tập trung rất cáo và có sự phối hợp chặt chẽ, tạo thành thế trận mới có thể ngăn ngừa".
Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, thành viên, lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp để đánh trúng, đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp.
Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý những nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, trong đó, nội dung trọng điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thương mại điện tử cần có biện pháp quyết liệt hơn nữa: "Chúng ta tập trung giải pháp để chấn chỉnh những vấn đề này, chẳng hạn như buôn bán online, Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo rất mạnh vấn đề này.
Thứ nhất xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới tức là kê khai và nộp thuế xuyên biên giới, hiện nay có 36 doanh nghiệp nước ngoài doanh nghiệp lớn nộp thuế, 9 tháng đầu năm đã thu được 1206 tỷ và tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra và xử phạt, tuy nhiên, cũng không thể kiểm soát hết được. Chúng tôi đang phối hợp với cơ quan an ninh mạng cùng với ngân hàng để đấu tranh. Nhưng hiện nay có một vấn đề trong nước mà sàn thương mại điện tử trong nước là gần như chưa kiểm soát được. Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy xây dựng cổng thông tin điện tử của sàn thương mại điện tử trong nước cũng như xây dựng công cụ để kiểm soát những giao dịch này.
Bất động sản mà chúng tôi đưa vào kiểm soát thì 96% hồ sơ chuyển nhượng bất động sản phải nộp thuế, tăng gấp 3 lần, lượng thất thoát thuế lớn. Như vậy, số thu tăng lên 96% gấp gần 2 lần so với số kê khai ban đầu và cũng không loại trừ vẫn còn thất thoát….Chúng tôi sẽ đề nghị với Thủ tướng Chính phủ có công điện để tiếp tục chỉ đạo thực hiện vào những tháng cuối năm và trước trong và sau Tết".
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 9 tháng qua, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý gần 100.000 vụ việc vi phạm, trong đó có gần 12.300 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; gần 83.000 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế; gần 2.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách nhà nước gần 7.670 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái; khởi tố 380 vụ việc với gần 500 đối tượng/.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận