Cảnh khốn cùng của người dân Palu (Indonesia) sau động đất, sóng thần
Những người còn sống sót đang từng phút chiến đấu với cái đói, cái khát, trong khi các bệnh viện đều quá tải vì người bị thương.
Người dân Palu, Indonesia đang trong tình cảnh điêu đứng sau thảm họa kép động đất sóng thần, với số người thiệt mạng được ghi nhận đã tăng lên con số 1.350 và có thể sẽ tăng lên vài nghìn người trong những ngày tới.
Hàng loạt nhà cửa đổ rạp, kể cả nhà thờ Hồi giáo, do động đất ở Palu. Ảnh: Atara Photo
Trong đống hoang tàn đổ nát, những người còn sống sót đang từng phút, từng giờ chiến đấu với cái đói, cái khát khi thiếu thốn thức ăn và nước sạch, trong khi các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải vì tiếp nhận quá đông người bị thương.
Vài ngày thảm họa động đất, sóng thần, khu vực ngoại ô và xung quanh thành phố Palu vẫn ngổn ngang với các mảnh vữa bê tông, khung cửa hay nội thất hỏng hóc từ các căn nhà đổ nát. Điều dễ nhận thấy nhất ở Palu lúc này là sự tuyệt vọng hiện rõ trên gương mặt người dân, thất thần cố cứu vãn những gì còn sót lại từ các đống hoang tàn, đổ nát. Cảnh tượng tang thương hơn khi nhiều người may mắn sống sót đang nỗ lực tìm kiếm người thân từ các nhà xác tạm thời, nơi hàng nghìn thi thể đang chờ được nhận diện. Ủy ban Chữ Thập đỏ quốc tế cam kết sẽ hỗ trợ hết mình nhằm giúp các gia đình sớm được đoàn tụ, cho dù họ còn sống hay đã tử nạn.
Ông Sutopo Purwo Nugroho - người phát ngôn cơ quan giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia vừa thông báo: “Chúng tôi vừa chôn cất 152 thi thể. Ngoài ra, thêm 61.867 người vẫn đang được sơ tán. Chúng tôi vừa thiết lập thêm 109 nơi trú ẩn tạm thời cho các nạn nhân vùng thiên tai”.
Theo CNN, có đến 200.000 người đang trong cảnh màn trời chiếu đất, chiến đấu với đói khát trong điều kiện khắc nghiệt. Thảm họa kép động đất, sóng thần đã tàn phá nghiêm trọng các công trình cơ sở vật chất như cầu, đường xá, làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc, đồng thời hủy hoại các dịch vụ cơ bản và thiết yếu dành cho người dân. Việc tiếp cận và hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng cũng trở nên khó khăn hơn. Nhiều người dân ở Palu ngày càng tuyệt vọng khi nhu cầu nước uống, thức ăn và nhiên liệu phục vụ quá trình cứu hộ gặp khó khăn. Nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn đang bị cản trở bởi thiếu máy móc hạng nặng, đường sá bị chia cắt, quy mô thiệt hại chưa thống kê hết được.
“Việc cung cấp nhiên liệu bị hạn chế, thành phố này không thể hoạt động như bình thường được. Dù chúng tôi đã chuyển nhiên liệu từ các thành phố khác tới đây như dự kiến, những hiện khó có thể triển khai các máy móc hạng nặng”, ông Rudys- giới chức văn phòng cảnh sát Jakarta cho biết.
Vệ sinh cũng là vấn đề đáng lo ngại. Do nhiệt độ cao và thời tiết thường xuyên có mưa tại Palu, lực lượng cảnh sát Indonesia đang gấp rút triển khai các nỗ lực để dọn dẹp các đống đổ nát do lo ngại bùng phát các loại dịch bệnh sau động đất. Cảnh sát thành phố Palu đặt mục tiêu cố gắng hoàn tất việc dọn dẹp các đống đổ nát trong thời gian 3 ngày nhưng xem ra rất khó hoàn thành khi mà hiện dấy lên nhiều lo ngại rằng các đợt dư chấn sẽ còn tiếp diễn, trong khi nhiều công trình bị sụt lún trong bùn đất khiến tính mạng con người tiếp tục bị đe dọa.
Chưa kể trong bối cảnh hàng cứu trợ từ trung ương vẫn nhỏ giọt, tình trạng an ninh trở nên hỗn loạn. Hàng nghìn người sống sót ở Palu đang kéo nhau tìm đường rời khỏi thành phố này. Nạn cướp bóc, vơ vét thực phẩm, hôi của diễn ra ở nhiều nơi, khiến giới chức Indonesia vừa phải lên tiếng trấn an các chủ kinh doanh của các siêu thị, trung tâm thương mại.
Theo Channel News Asia, giới chức Indonesia vừa thông báo chính phủ nước này cam kết sẽ đền bù thiệt hại cho các cửa hàng, siêu thị sau khi ổn định lại tình hình. Indonesia cũng quyết định giải ngân 37 triệu USD để hỗ trợ người dân và phục vụ công tác cứu nạn. Tổ chức Chữ thập đỏ Indonesia ước tính có khoảng 1,6 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép. Trong khi Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp Quốc cảnh báo, gần 200.000 người dân nước này, trong đó có trong đó khoảng 25% là trẻ em đang rất cần sự trợ giúp khẩn cấp.
Trong bối cảnh người dân địa phương đang phải vật lộn trong sự tuyệt vọng để tìm kiếm thức ăn, nước uống và thuốc men cơ bản cho gia đình mình, giới chức Indonesia tiếp tục kêu gọi viện trợ và giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với tình trạng thảm họa khẩn cấp.
Chiều 2/10, Việt Nam cũng quyết định sẽ viện trợ khẩn cấp cho Indonesia 100.000 USD để khắc phục hậu quả động đất, sóng thần./.
Phương Anh/VOV1Tổng hợp
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận