Tuyển sinh đại học 2018: Hạ điểm sàn sát đáy để “vét” thí sinh?
Điểm sàn xét tuyển ĐH chỉ ở mức 11-12 điểm mà một số trường công bố mới đây, không khỏi khiến dư luận nghi ngại về việc tuyển sinh theo kiểu vơ vét...
“Vét” thí sinh bằng mọi giá
Theo quy chế tuyển sinh năm 2018 thì Bộ GD-ĐT sẽ không quy định điểm sàn chung cho các trường (ngoại trừ khối sư phạm). Do đó, ngay khi có lịch xét tuyển, nhiều trường đã công bố điểm sàn từ 11 - 12 điểm, dù đây không đồng nghĩa là điểm chuẩn. Tuy nhiên, điều đó vẫn có thể xảy ra nếu lượng thí sinh đăng ký thấp hơn so với chỉ tiêu...
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định, theo các số liệu thống kê cho thấy, dù điểm thi có thấp hơn nhưng nếu điểm sàn chung ở mức 14-15 thì tỉ lệ dôi dư vẫn chấp nhận được (có đủ số lượng thí sinh đạt điểm để các trường xét tuyển đủ chỉ tiêu). Còn nếu các trường cố tình đưa ra mặt bằng điểm đầu vào quá thấp, Bộ GD-ĐT sẽ cử đoàn kiểm tra toàn bộ điều kiện bảo đảm chất lượng của trường. Việc thanh tra nhằm tránh tình trạng các trường đại học vơ vét thí sinh cho đủ số lượng.
(Ảnh: minh họa)
Sau khi Trường Đại học Quang Trung (Bình Định) công bố mức điểm sàn xét tuyển chỉ 10,5 điểm và nhận nhiều phản ứng của dư luận, dường như có sự tác động của Bộ nên chỉ trong một buổi trường này đã thay đổi điểm sàn từ 10,5 vọt lên 13 điểm.
Trước đó, hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Quang Trung đã công bố điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức thi THPT Quốc gia. Tất cả 8 ngành, trường đều xét tuyển từ kết quả thi THPT Quốc gia với điểm sàn là 10,5 điểm. Nghĩa là, chưa tính đến điểm ưu tiên, trung bình mỗi môn chỉ cần đủ 3,5 điểm là có thể xét tuyển đại học. Vào chiều 18/7, hội đồng tuyển sinh trường này đã điều chỉnh mức điểm xét tuyển lên 12 điểm. Và đến cuối giờ chiều 18/7, mức điểm tiếp tục được sửa thành 13 điểm.
Theo lý giải của nhà trường, Bộ GD-ĐT không đồng ý mức điểm xét tuyển là 10,5 điểm, đề nghị các trường xét tuyển ít nhất từ 13 điểm trở lên. Việc thông báo mức điểm 12 chỉ là nhầm lẫn.
Tương tự như vậy, Trường Đại học Bạc Liêu đã có thông báo về mức điểm sàn tối thiểu là 12 điểm để xét tuyển đối với các nhóm ngành đại học. Nhiều người cho rằng mức điểm sàn này là khá thấp khi xét tuyển vào các ngành bậc đại học. Tuy nhiên sau đó, trường này lại bất ngờ có thông báo điều chỉnh mức điểm sàn mới, tăng lên 2 điểm, tức từ 12,0 điểm lên 14,0 điểm. Theo kế hoạch, năm 2018, Trường ĐH Bạc Liêu tuyển khoảng 900 chỉ tiêu cho 10 ngành đào tạo bậc đại học và 8 ngành đào tạo bậc cao đẳng.
Lý giải về hiện tượng một số trường đã công bố mức điểm từ 11-12 điểm, sau đó bất ngờ được điều chỉnh hoặc “biến mất” khỏi website nhà trường, nhiều chuyên gia cho rằng, dường như vẫn có “bàn tay” chỉ đạo của Bộ và chính sự thay đổi này khiến cho thí sinh càng rối.
Khó đảm bảo chất lượng!
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, vì đề thi THPT Quốc gia 2018 có sự phân hóa cao dẫn đến mặt bằng điểm thấp. Đó là lý do năm nay, điểm sàn vào các trường sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điểm thi không chỉ phản ánh chất lượng mà còn phản ánh tương quan giữa học sinh và đề thi. Theo bà Phụng, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào rất nhiều khâu như chất lượng đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra. Trong đó, chất lượng đầu vào vẫn là yếu tố tiên quyết bảo đảm chất lượng đào tạo.
Bà Phụng nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT rất quan tâm tới chính sách chất lượng các trường thông qua điểm sàn mà các trường dự kiến và sẽ sớm công bố. Hiện nay, phần lớn các trường đều công bố mức điểm sàn phù hợp với mặt bằng năm nay, nhưng vẫn còn một số trường đưa ra điểm sàn rất thấp.
Tuy nhiên, ông Lê Viết Khuyến, Trưởng Ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, ý định thanh tra của Bộ GD-ĐT không rõ ràng. Điều kiện bảo đảm chất lượng phải đo bằng kiểm định, còn ở đây tiêu chí thanh tra của Bộ là gì? Nếu trường có đủ các điều kiện đào tạo thì họ được phép tuyển sinh...
Ông Khuyến phân tích, để giữ tên tuổi, những trường có thương hiệu phải tuyển thí sinh có điểm cao, còn những trường đang trong quá trình xây dựng thương hiệu thì phải chấp nhận chọn những thí sinh điểm thấp hơn. Cái này là tự phân hóa, tự phân loại.
Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, dù biết chất lượng đầu vào thấp, rất khó bảo đảm được chất lượng đào tạo, nhưng nhiều trường ngoài công lập vì bảo đảm nguồn sống họ vẫn “nhắm mắt” đưa ra mức điểm đầu vào thấp để hút thí sinh.
Nếu ở các nước, trường nào tuyển sinh điểm thấp quá, người học nghi ngờ sẽ không vào học và trường sẽ phải tự đóng cửa nếu không có thí sinh. Nhưng với Việt Nam nên để xã hội tự điều chỉnh với điều kiện các trường đều phải công khai, minh bạch về thông tin và nên có các bảng xếp hạng cho các trường để người học lựa chọn. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần phải kiểm soát được quá trình đào tạo và chuẩn đầu ra của các trường./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận