Đối tượng hành hạ người làm ở Gia Lai đối diện hình phạt nào?
Theo luật sư, bà chủ hành hạ người làm 23 tuổi ở TP Pleiku (Gia Lai) có thể đối diện tội Cố ý gây thương tích với mức án có tính răn đe cao.
Như đã đưa tin, Công an huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum đang tiến hành điều tra vụ việc chị Y Nhiêu (23 tuổi, xã Đak Pét, huyện Đăk Glei) bị chủ quán cà phê tên Nguyễn Thị Hà (thường gọi là Nga) ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Pleiku, Gia Lai) hành hạ dã man.
Toàn thân Nhiêu còn di chứng của vô vàn vết thương. (Ảnh: Văn Ngọc/báo Gia Lai)
Ban đầu, Y Nhiêu đã nghĩ đến chuyện bỏ trốn nhưng bị bà chủ dọa giết cả người thân nên cô không dám nữa. Tuy nhiên, khi bị bà chủ dọa cắt lưỡi, vì quá hoảng sợ nên cô gái bỏ trốn trong lúc đi đổ than và đến trình báo công an.
Y Nhiêu kể, khoảng 2 tháng trở lại đây, bà chủ bắt đầu hành hạ, đánh đập cô với nhiều đòn kinh khủng. Sau mỗi lần dùng ma túy, bà chủ thường đổ cho Y Nhiêu trộm tiền để lấy cớ đánh đập cô.
Y Nhiêu còn bị bà chủ dùng thanh sắt nung đỏ và thanh gỗ đánh vào người, gây nên chằng chịt vết thương trên cơ thể.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Văn Thiệp (Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, trước hết, cơ quan chức năng cần tổ chức giám định thương tích cho bị hại, từ đó căn cứ vào tỉ lệ thương tật để xác định mức quy định hình phạt.
Trường hợp, kết quả giám định thương tích từ 11% trở lên mà bên bị hại yêu có đơn yêu cầu khởi tố thì sẽ xử lý theo tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Nếu bà Hà dùng hung khí nguy hiểm hành hạ chị Nhiêu và hành hạ trong thời gian dài thì có thể áp dụng thêm tình tiết tăng nặng như phạm tội nhiều lần, dùng hung khí nguy hiểm.
Về việc báo chí đưa tin bà Hà có biểu hiện “ngáo đá”, luật sư Thiệp cho rằng, để làm rõ việc bà Hà có biểu hiện “ngáo đá” hay không thì cơ quan chức năng cần tổ chức giám định để tiếp tục xác minh, làm rõ. Nếu đúng bà Hà có biểu hiện thì yêu cầu chữa bệnh rồi xử lý hình sự, còn không thì căn cứ vào Bộ luật Hình sự xử lý ngay.
Luật sư cũng cho rằng, pháp luật hiện hành không xem "ngáo đá" là mất năng lực hành vi dân sự, vì vậy bà Hà vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Thiệp dẫn Điều 134 Bộ luật Hình sự nêu rõ, việc một người phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác có thể bị phạt 2-6 năm tù, nếu tỉ lệ thương tích 31- 60%, phạm tội nhiều lần, tái phạm nguy hiểm, có tính chất côn đồ.
Nhận mức án 5 - 10 năm tù nếu phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Mức án 7-14 năm tù khi gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên.
Liên quan đến vụ việc trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi bạo hành thân thể chị Y Nhiêu.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo nhanh chóng làm rõ vụ việc./.
Lê Tùng/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận