Tổng Bí thư: Không thể mượn tập thể để hợp thức hóa quyết định cá nhân
Đó là khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở.
Sáng 16/7, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở |
Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận số 120 của Bộ Chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đao, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ cơ sở gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa.
Kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở từng loại hình cơ sở có nhiền tiến bộ, đi vào chiều sâu. Dân chủ đại diện được phát huy, dân chủ trực tiếp được mở rộng, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực ở cơ sở. Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” tiếp tục được thực hiện đồng bộ, cụ thể hơn và đạt hiệu quả. Các cấp ủy đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, mở rộng dân chủ trong Đảng, ban hành nhiều quy định, quy chế cụ thể hóa phương châm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên, trực điện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, cách đây hơn 20 năm, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để cụ thể hoá Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, coi đây là một khâu quan trọng và cấp bách để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; nơi thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất.
Thực hiện các chỉ thị, kết luận của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, nhất là trong những năm gần đây, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên.
Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân tham gia bàn bạc những công việc của địa phương, đất nước; góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia giám sát hoạt động của cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư. Bầu không khí dân chủ trong Đảng, trong xã hội được mở rộng hơn. Nhiều khó khăn trong quá trình phát triển được nhân dân bàn bạc, tháo gỡ, giải quyết có hiệu quả...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, trong đó có việc phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân tham gia bàn và quyết định các vấn đề của địa phương, giám sát, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Có tình trạng, nhiều nơi cứ nói là thực hiện dân chủ, nhưng thực chất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở đó vẫn mượn danh hoặc nhân danh tập thể để hợp thức hoá những quyết định, ý chí chủ quan của cá nhân mình. Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, khu vực dân doanh còn nhiều khó khăn; có lúc, có nơi còn tình trạng vi phạm dân chủ, gây bức xúc, khiếu kiện đông người, vượt cấp, nhưng giải quyết chưa triệt để, nhất là trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai, đền bù, tái định cư khi thu hồi đất…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn nữa các quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 30 và Kết luận 120 của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan của Đảng, Nhà nước; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm thực chất và hiệu quả.
"Phải làm sao để việc thực hiện Quy chế dân chủ và phát huy dân chủ trở thành công việc thường xuyên, liên tục, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện để chăm lo tốt hơn đời sống, lợi ích, hạnh phúc của nhân dân, thực hiện công bằng xã hội, sống có văn hoá, nghĩa tình, bảo đảm an ninh, an sinh xã hội, tạo động lực cho các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, tham gia phát triển đất nước nói chung và từng địa bàn, cơ quan, đơn vị nói riêng. Đi đôi với phát huy, mở rộng dân chủ, phải chú trọng giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; đề cao trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân; kiên quyết phê phán, lên án, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng dân chủ, coi thường kỷ cương phép nước, kích động gây rối, làm mất an ninh, trật tự ở cơ sở, làm hại đến lợi ích của nhân dân", Tổng Bí thư đề nghị.
Các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của nhân dân. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ.
"Từng đồng chí bí thư cấp uỷ, từ trung ương đến cơ sở, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, công khai, minh bạch trong điều hành của chính quyền, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chống quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí và các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp. Ở đâu cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu gương mẫu, quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện để Ban Chỉ đạo hoạt động và phát huy tốt vai trò của mình, thì ở đó việc thực hiện Quy chế dân chủ có nền nếp, thực chất và chuyển biến toàn diện, rộng khắp đến từng địa bàn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp", Tổng Bí thư yêu cầu.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn, thử thách, tuyệt nhiên không được chủ quan thoả mãn. Hơn lúc nào hết, càng phải nêu cao cảnh giác, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm giữ vững sự ổn định của đất nước, nhất là từ cơ sở và chính ở cơ sở. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở là trách nhiệm nặng nề của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, của người đứng đầu, của tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận