Các kỳ đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ XI: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới
Với chủ đề “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Đại hội lần thứ XI của Đảng diễn ra từ ngày 12 đến 19-1-2011.
Thông qua nhiều văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược
Sau 9 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ và khoa học, Đại hội XI của Đảng đã nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, phương hướng, nhiệm vụ 2011-2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta, là: Xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Cương lĩnh đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
Nhìn tổng thể, Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 có rất nhiều nội dung mới, nhưng nội dung mới quan trọng nhất là làm sáng rõ hơn, khoa học biện chứng hơn về mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Về mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh đã bổ sung thêm hai đặc trưng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, và “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
Đây là những vấn đề đã được đề cập, bổ sung từ Đại hội X, đến Đại hội XI đã chuyển từ “dân chủ” lên trước từ “công bằng”.
Đây là kết quả của công tác nghiên cứu với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật” và với sự đóng góp rất thẳng thắn của nhân dân, nhất là những nhà khoa học, cho rằng công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo chính là vì mục tiêu dân chủ; xây dựng được một xã hội dân chủ là cơ sở để đất nước phát triển đúng hướng.
Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là điều kiện, là tiền đề của công bằng, văn minh. Đồng thời, cũng để nhấn mạnh bản chất của xã hội ta là xã hội dân chủ theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.
![Các kỳ đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ XI: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới](https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2025/02/06/upload_2077/co4.png?dpi=150&quality=100&w=870)
Ngoài hai đặc trưng trên, Cương lĩnh còn bổ sung, phát triển một số đặc trưng cho gọn, rõ, khoa học.
Ví dụ như ở Cương lĩnh 1991 viết: “Do nhân dân lao động làm chủ”, thì đến thời điểm này viết lại là: “Do nhân dân làm chủ” (bỏ từ lao động).
Đặc trưng về con người, Cương lĩnh 1991 xác định: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 xác định: “Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”…
Về nền tảng tư tưởng của Đảng, Cương lĩnh bổ sung, phát triển 2011 tiếp tục khẳng định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động” nhưng có bổ sung, nhấn mạnh vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định: Cương lĩnh này là ngọn cờ chiến đấu vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, định hướng cho mọi hoạt động của Đảng hiện nay và trong những thập kỷ tới. Thực hiện thắng lợi Cương lĩnh này, nước nhà nhất định trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.
Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đại hội Đảng lần thứ XI đã quyết định mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.
Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011-2015, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Về bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đề nghị kiên định các nguyên tắc cơ bản về Đảng, xây dựng Đảng trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời xem xét những vấn đề đã chín muồi, đã rõ, căn cứ kết quả tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, một số nghị quyết Trung ương về xây dựng Đảng, quy định về thi hành Điều lệ Đảng để bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt
Sáng ngày 18-1-2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI gồm: 175 đồng chí Ủy viên chính thức và 25 đồng chí Ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, thể hiện trên một số mặt sau:
Thứ nhất, định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011-2015; tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001-2010, xác định Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; tổng kết, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhiệm kỳ 2011-2015. Các văn kiện này không chỉ nhằm đề ra các biện pháp để giải quyết những nhiệm vụ trước mắt, mà còn là sự định hướng lâu dài cho hành động của Đảng và nhân dân ta.
Thứ ba, Đại hội XI của Đảng là sự kiện chính trị - xã hội không những có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.
Đảng ta đã thể hiện tầm nhìn có tính nguyên tắc, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời khẳng định và kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phấn đấu đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Những thành tựu và đường lối đổi mới đó là bài học và kinh nghiệm quý báu, góp phần vào kho tàng lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội của những người cộng sản trên thế giới.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/cac-ky-dai-hoi-cua-dang-va-nhun...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận