Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy tinh thần sáng tạo của nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc gia, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo hiện nay vẫn tồn tại nhiều bất cập, như sự chồng chéo trong các chương trình bồi dưỡng, thiếu sự phân biệt giữa các nhóm nhà giáo, và sự thiếu động lực trong việc nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên.
Bên cạnh đó, các quy định về đánh giá, phân loại nhà giáo còn thiếu đồng bộ, chưa thể hiện rõ sự phát triển nghề nghiệp theo chuẩn nghề nghiệp. Bài viết này sẽ phân tích thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và đề xuất những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội trong giai đoạn mới.
Thực trạng đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo
Dự thảo Luật Nhà giáo phản ánh rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, song thực tế công tác đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.
Trước hết, các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo hiện hành chủ yếu tập trung vào các chương trình chung cho toàn bộ đội ngũ giáo viên, nhưng lại thiếu sự phân biệt giữa các nhóm nhà giáo khác nhau (như giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, giảng viên đại học). Điều này dẫn đến việc áp dụng các chương trình bồi dưỡng chưa thật sự hiệu quả, không phù hợp với yêu cầu phát triển chuyên môn của từng nhóm.
Vũ Thị Huyền Trang, giáo viên Trường THPT Thanh Thủy, huyện Thanh thủy, tỉnh Phú Thọ nhận định: Hiện nay, sự chồng chéo trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo. Đặc biệt, nhiều khóa bồi dưỡng không đáp ứng được nhu cầu thực tế của giáo viên, dẫn đến thiếu hiệu quả và lãng phí tài nguyên.
Việc đào tạo bồi dưỡng cho nhà giáo ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng gặp khó khăn do thiếu kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước. Bên cạnh đó, sự tham gia của nhà giáo trong các chương trình bồi dưỡng còn hạn chế, một phần do thiếu động lực và nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực chuyên môn.
Thực tế cho thấy, công tác đào tạo cho giảng viên đại học vẫn thiếu những quy định rõ ràng về năng lực nghiên cứu, công bố quốc tế và sự thành thạo nghề.
Nhiều trường đại học chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu cho giảng viên trong các ngành đặc thù, như giáo viên, y tế hay các ngành có yêu cầu cấp phép. Hệ thống đánh giá nhà giáo cũng chưa hoàn chỉnh, khi hiện nay việc đánh giá chủ yếu dựa trên năm tài chính thay vì năm học, dẫn đến khó khăn trong việc đo lường và cải thiện chất lượng giáo dục.
Cần phân biệt rõ nhóm nhà giáo và điều chỉnh chương trình đào tạo, bồi dưỡng
Cần có sự phân biệt rõ ràng giữa các nhóm nhà giáo khác nhau (mầm non, phổ thông, đại học) trong các chương trình đào tạo và bồi dưỡng. Điều này sẽ giúp chương trình đào tạo phù hợp hơn với yêu cầu và thực tiễn của từng nhóm nhà giáo, đồng thời tăng cường hiệu quả và chất lượng các khóa bồi dưỡng.
PGS, TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Trong dự thảo, cần thay thế các cụm từ như “hành nghề dạy học” bằng “hành nghề giáo dục”, “chuẩn nhà giáo” bằng “chuẩn nghề nghiệp nhà giáo”. Điều này giúp phản ánh đầy đủ và chính xác hơn bản chất công việc của nhà giáo, từ đó xây dựng một hệ thống pháp lý khép kín và thống nhất.
Bên cạnh đó, việc đánh giá nhà giáo cần thực hiện theo năm học, không theo năm tài chính, và nên tập trung vào việc đánh giá các chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo.
Điều này giúp giảm thiểu việc đánh giá hình thức và nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời, cần điều chỉnh hệ thống xếp hạng và lương cho nhà giáo, căn cứ vào năng lực nghề nghiệp thay vì chức danh nghề nghiệp. Việc phân loại và xếp hạng giáo viên theo mức độ thành thạo nghề nghiệp (vào nghề, thành thạo, nâng cao, xuất sắc) sẽ tạo động lực cho giáo viên không ngừng nâng cao trình độ”.
Đối với giảng viên đại học, cần thiết phải có các chương trình đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế và các kỹ năng nghề nghiệp khác.
Đồng thời, các trường đại học cần phát triển chương trình đào tạo cho giảng viên thực hành trong các ngành đặc thù, chẳng hạn như sư phạm, y tế, và các ngành mang tính ứng dụng cao, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo và bồi dưỡng giảng viên.
Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển chuyên môn cho nhà giáo. để hỗ trợ các cơ sở giáo dục và nhà giáo tham gia vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Các trường ngoài công lập cần được khuyến khích và hỗ trợ tài chính để phát triển công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn xã hội...
Các hình thức bồi dưỡng cần đa dạng hóa, bao gồm việc áp dụng mô hình nghỉ phép để phát triển chuyên môn (sabbatical leave) cho nhà giáo. Tham gia các seminar nghiên cứu bài học (lesson study) và các chương trình tự bồi dưỡng chuyên môn cũng là những hình thức hiệu quả. Hệ thống đào tạo này cần linh hoạt, đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà giáo.
Đối với nhà giáo nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, cần có quy định chi tiết về việc bồi dưỡng và yêu cầu về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Điều này giúp đảm bảo rằng nhà giáo nước ngoài có thể đáp ứng được các yêu cầu văn hóa, phương pháp giáo dục của Việt Nam, đồng thời hòa nhập vào hệ thống giáo dục quốc gia.
Cần có các chương trình hỗ trợ cho nhà giáo gốc Việt đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo giáo viên ở nước ngoài trở về Việt Nam tham gia vào đội ngũ nhà giáo. Các chương trình này sẽ giúp họ dễ dàng hội nhập với chuẩn nghề nghiệp của Việt Nam và đóng góp vào sự phát triển của giáo dục trong nước.
Dự thảo Luật Nhà giáo nếu được hoàn thiện và thông qua, sẽ tạo ra một khung pháp lý cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục quốc gia.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính hiệu quả và phù hợp, cần có những điều chỉnh và bổ sung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, nhất là trong việc phân biệt các nhóm nhà giáo, cải cách hệ thống đánh giá và lương, đồng thời hỗ trợ tài chính và tạo ra các cơ chế linh hoạt cho việc phát triển chuyên môn của đội ngũ nhà giáo.
Những cải cách này sẽ không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy, mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
HỒNG NGUYÊN
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/dao-tao-boi-duong-va-ph...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận