Đảng lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1945 - 1954
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền nhân dân vừa mới được thành lập đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng, các thế lực đế quốc tràn vào nước ta, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng.
Đáp ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc đã nhất tề đứng lên bảo vệ thành quả cách mạng với tất cả các điều kiện có trong tay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính. Sau 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã đánh bại các thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành căn cứ địa cho cả nước, chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cách mạng Việt Nam có những thuận lợi rất cơ bản. Trên thế giới, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, uy tín và địa vị của Liên Xô được nâng cao trên trường quốc tế. Phong trào cách mạng giải phóng dân tộc có điều kiện phát triển, trở thành một dòng thác cách mạng tiến công vào chủ nghĩa đế quốc. Phong trào dân chủ và hòa bình cũng đang vươn lên mạnh mẽ. Ở trong nước, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám mở ra bước ngoặt lớn, đem lại cho cách mạng Việt Nam thế và lực mới. Chính quyền nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được thiết lập có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Nhân dân lao động đã làm chủ vận mệnh của dân tộc. Lực lượng vũ trang nhân dân đang phát triển. Toàn dân tin tưởng và ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc.
Tuy nhiên, cách mạng Việt Nam cũng phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Theo thỏa thuận của các nước đồng minh ở Hội nghị Potsdam, cuối tháng 8-1945, từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng ồ ạt kéo vào nước ta làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Theo chân chúng là các lực lượng tay sai phản động trong các tổ chức “Việt quốc” và “Việt cách”. Vào Việt Nam, quân đội Tưởng Giới Thạch và tay sai ráo riết thực hiện âm mưu tiêu diệt Đảng ta, đánh đổ chính quyền cách mạng. Ở phía Nam vĩ tuyến 16, quân đội Anh với danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật đã đồng lõa và tiếp tay cho thực dân Pháp quay lại Đông Dương. Đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, được sự giúp sức của quân Anh, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Trong khi đó, nước ta còn phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về kinh tế-xã hội. Nạn đói ở miền Bắc do Nhật, Pháp gây ra chưa được khắc phục; ruộng đất bị bỏ hoang; công nghiệp đình đốn; hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, ngoại thương đình trệ; tình hình tài chính rất khó khăn, hơn 90% số dân không biết chữ, các tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại hết sức nặng nề. Đất nước bị bao vây 4 phía, vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Tổ quốc lâm nguy!
Trước tình hình đó, ngay sau khi về Thủ đô Hà Nội, Ban Thường vụ Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra những biện pháp để củng cố chính quyền cách mạng và đối phó với âm mưu, hành động của kẻ thù. Ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị xác định: Tính chất của “cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Kẻ thù chính của cách mạng lúc này là thực dân Pháp xâm lược. Khẩu hiệu lúc này vẫn là “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”. Chỉ thị nêu ra nhiệm vụ chủ yếu của nhân dân cả nước lúc này là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân. Để thực hiện những nhiệm vụ đó, Trung ương đề ra các công tác cụ thể: Về nội chính: Xúc tiến việc bầu cử Quốc hội, thành lập chính phủ chính thức, lập Hiến pháp, củng cố chính quyền nhân dân. Về quân sự: Động viên lực lượng toàn dân, kiên trì kháng chiến, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến lâu dài. Về ngoại giao: Kiên trì nguyên tắc “bình đẳng tương trợ”, thêm bạn bớt thù, thực hiện khẩu hiệu “Hoa-Việt thân thiện” đối với quân đội Tưởng Giới Thạch và chủ trương “độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế” đối với Pháp.
Thực hiện chủ trương của Đảng, từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946, nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến kiên quyết và mạnh mẽ ở miền Nam, gắn liền với tranh thủ thời gian xây dựng chế độ mới về mọi mặt. Sức mạnh đoàn kết của nhân dân chung quanh Đảng và chính quyền cách mạng thể hiện trong “Tuần lễ vàng”, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội ngày 6-1-1946, ở các phong trào “diệt giặc đói” và “diệt giặc dốt”... Để đối phó với âm mưu nham hiểm của kẻ thù, Đảng đã có đối sách thích hợp với từng kẻ thù: Từ ngày 2-9-1945 đến 6-3-1946, kiên quyết phát động kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam và thực hiện sách lược nhân nhượng có nguyên tắc với quân Tưởng ở miền Bắc. Từ 6-3-1946, khi tình hình thay đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định Sơ bộ thực hiện hòa hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng. Tiếp đó, ký bản Tạm ước 14-9-1946 nhằm cố gắng cứu vãn nền hòa bình và tranh thủ thời gian củng cố lực lượng cho một cuộc toàn quốc kháng chiến mà Đảng ta biết khó có thể tránh khỏi.
Ngày 20-11-1946, quân Pháp mở cuộc tấn công chiếm đóng TP Hải Phòng, thị xã Lạng Sơn và đổ bộ lên Đà Nẵng. Ngày 17 và 18-12-1946 tại Hà Nội, quân Pháp tàn sát thảm khốc đồng bào ta ở các phố Yên Ninh, Hàng Bún. Chúng ngang ngược đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội, đòi kiểm soát an ninh trật tự ở Thủ đô. Hành động của thực dân Pháp đã đặt Đảng và Chính phủ ta trước một tình thế không thể nhân nhượng thêm được nữa.
Trong thời điểm lịch sử đó, Trung ương Đảng kịp thời hạ quyết tâm phát động toàn dân kháng chiến. Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng được thể hiện trong các văn kiện chủ yếu như: Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (soạn thảo ngày 12-12-1946, công bố ngày 22-12-1946); Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19-12-1946) và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi (tháng 9-1947) của đồng chí Trường Chinh. Đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Mục tiêu của cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất đất nước, vì dân chủ, tự do, hòa bình thế giới.
Thủ đô Hà Nội trở thành chiến trường chính trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng nghìn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Phối hợp với Thủ đô Hà Nội, quân và dân cả nước cũng giành nhiều thắng lợi quan trọng. Đến tháng 3-1947, các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận đã được chuyển lên Việt Bắc an toàn. Việt Bắc trở thành Thủ đô của cuộc kháng chiến toàn quốc.
Về phía Pháp, với bản chất cố hữu của kẻ thực dân, Thu-Đông năm 1947, thực dân Pháp huy động lực lượng lớn, mở cuộc hành quân lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não, tiêu diệt quân chủ lực, phá tan căn cứ kháng chiến của ta. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và tinh thần sáng tạo, quyết tâm cao, quân và dân ta chiến đấu ngoan cường, giành thắng lợi vẻ vang trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, mở ra giai đoạn mới cho cuộc kháng chiến.
Không thể sớm kết thúc chiến tranh theo ý định, các nhà cầm quân Pháp buộc phải chuyển sang “đánh kéo dài”, thực hiện chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, đồng thời tiến hành “chiến tranh tổng lực”, tăng cường đánh phá nhiều cơ sở của ta. Trước âm mưu của địch, chúng ta không ngừng chiến đấu, phối hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh kinh tế và chính trị; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng tiềm lực kháng chiến.
Đến năm 1950, lực lượng kháng chiến của ta trưởng thành về mọi mặt, Đảng và Chính phủ quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, khai thông đường liên lạc quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa. Sau 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân dân ta đã làm nên thắng lợi quan trọng, tạo ra bước ngoặt căn bản, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta bước sang giai đoạn phản công và tiến công. Quân Pháp lui dần về thế phòng ngự.
Lợi dụng sự sa lầy cuộc chiến tranh Đông Dương của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp, ngày càng can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Trước tình hình đó, Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951) xác định nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng Việt Nam lúc này là tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập, thống nhất hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới. Phát huy thế tiến công chiến lược, quân dân ta giành được những thắng lợi quan trọng trên các chiến trường như Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào... Chiến tranh nhân dân phát triển đã đẩy quân địch lún sâu vào thế bị động. Trong khi đó, thế và lực của cuộc kháng chiến ngày càng được củng cố, tăng cường.
Hòng xoay chuyển tình thế, dựa vào viện trợ Mỹ, Pháp lập Kế hoạch Nava nhằm lấy lại quyền chủ động. Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo chủ động, linh hoạt của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh, sự chiến đấu kiên cường, dũng cảm của quân và dân ta, kế hoạch trên bị thất bại, buộc Nava phải đưa quân chủ lực lên Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành tập đoàn cứ điểm khổng lồ để tiêu diệt “chủ lực Việt Minh”. Nhưng sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp, tạo nên “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, kết thúc oanh liệt cuộc tiến công Chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Trên mặt trận ngoại giao, trên bàn đàm phán, sau hơn 2 tháng đấu tranh gay go, phức tạp, ngày 21-7-1954, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết. Các bên tham dự hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của 3 nước Lào, Việt Nam, Campuchia.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi khẳng định sức mạnh và truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này đã đưa đến giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo căn cứ pháp lý cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thắng lợi của cuộc kháng chiến, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva, là thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tá, PGS, TS TRẦN HỒNG HẢI, Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dang-lanh-dao-khang-chien-chong...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận