Quân sự thế giới hôm nay (17-1): Nga nâng cấp pháo tự hành 2S43 Malva
Quân sự thế giới hôm nay (17-1-2025) gồm các nội dung: Nga nâng cấp pháo tự hành 2S43 Malva, Iran trang bị hệ thống phóng mới cho tên lửa Abu Mahdi, Philippines đàm phán mua tên lửa BrahMos.
Nga nâng cấp pháo tự hành 2S43 Malva
Theo trang Bulgarian Military, Quân đội Nga vừa cho ra mắt một biến thể mới của hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva, với những nâng cấp đáng kể có thể thay đổi cục diện chiến trường. Xuất hiện trong buổi huấn luyện tại bãi thử nghiệm của Học viện Pháo binh Quân đội Mikhailovsk, phiên bản cải tiến này nổi bật với pháo chính 2A36M cỡ nòng 152mm.
Pháo mới 2A36M không chỉ được tăng lên về kích thước mà còn vượt trội về tầm bắn, giúp 2S43 Malva trở thành hệ thống pháo tự hành có tầm xa nhất trong các hệ thống pháo tự hành của Nga. Ngoài ra, hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva còn có khả năng bắn các loại đạn dẫn đường chính xác như đạn "Krasnopol".
Hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva có thể được đặt trên khung gầm xe tăng T-72 hoặc xe vận tải bánh lốp, giúp tăng khả năng cơ động.
Pháo chính 2A36M của hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva có khả năng bắn nhiều loại đạn khác nhau, từ đạn nổ phá mảnh (HE-FRAG), đến đạn khói và đạn dẫn đường chính xác. Tầm bắn tối đa của pháo 2A36M là 40km.
Hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva được tích hợp bộ điều khiển hỏa lực tiên tiến (FCS), với máy tính nội bộ có khả năng phân tích dữ liệu đầu vào và hỗ trợ kíp lái chọn loại đạn phù hợp nhất cho mục tiêu. Hệ thống định vị tích hợp giúp phối hợp hỏa lực hiệu quả với các đơn vị pháo tự hành khác hoặc pháo kéo truyền thống.
Nhờ các hệ thống tự động, 2S43 Malva có thể tự nạp đạn nhanh chóng mà không cần nhiều sức người. Điều này giúp tăng tốc độ bắn, tạo lợi thế trong các tình huống tác chiến cần hỏa lực liên tục và nhanh.
2S43 Malva được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cơ động trong nhiều loại hình tác chiến, từ hỗ trợ bộ binh đến tiêu diệt các mục tiêu kiên cố và vũ khí của đối phương. Khả năng cơ động cao cho phép hệ thống được triển khai, bắn và di chuyển nhanh chóng, giảm nguy cơ bị phản công từ pháo binh đối phương.
Ra mắt lần đầu vào năm 2021, hệ thống pháo tự hành 2S43 Malva đã vượt qua các thử nghiệm cấp nhà nước vào tháng 5-2023. Những lô pháo đầu tiên đã được bàn giao cho quân đội Nga vào tháng 10-2023, tiếp sau đó là các lô được bàn giao vào tháng 6 và tháng 7-2024.
Iran trang bị hệ thống phóng mới cho tên lửa Abu Mahdi
Các nguồn tin quốc phòng từ Iran cho biết quân đội nước này đã bắt đầu bàn giao các hệ thống phóng mới cho tên lửa hành trình chống hạm tầm xa Abu Mahdi. Đây là loại tên lửa được Iran phát triển trong nhiều năm, là một phần trong kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của hải quân nước này. Các hệ thống phóng mới sẽ được trang bị cho hải quân.
Tên lửa Abu Mahdi lần đầu được giới thiệu vào tháng 8-2020 và là loại vũ khí chống hạm được Iran phát triển nội địa hóa với tầm bắn trên 1.000km, vượt xa các tên lửa chống hạm trước đây của nước này như Raad (350km) và Qadir (300km). Không chỉ có khả năng tấn công tàu chiến, tên lửa cũng có thể được sử dụng để tấn công mục tiêu ở trên đất liền.
Tên lửa Abu Mahdi sử dụng hệ thống dẫn đường tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép thực hiện các thao tác bay phức tạp, né tránh radar bằng cách bay ở độ cao thấp và thay đổi lộ trình không thể đoán trước. Những tính năng này khiến tên lửa đặc biệt hiệu quả khi đối phó với các mục tiêu được bảo vệ chặt chẽ như tàu sân bay và các tàu chiến có hệ thống phòng không hiện đại.
Hệ thống phóng cơ động mới được trang bị sẽ giúp triển khai nhanh chóng và hiệu quả tên lửa Abu Mahdi từ nhiều địa điểm khác nhau, nâng cao khả năng linh hoạt trong tác chiến. Những bệ phóng này có khả năng bắn nhiều tên lửa trong thời gian ngắn từ các vị trí cố định hoặc trên phương tiện cơ động, giúp các lực lượng của Iran có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc với các quỹ đạo tấn công đa dạng.
Việc bàn giao các hệ thống phóng này sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công từ hướng biển của Iran. Với tầm bắn trên 1.000km, tên lửa Abu Mahdi có khả năng răn đe bất cứ phương tiện quân sự nào xâm nhập vào vùng biển của Iran.
Philippines đàm phán mua tên lửa BrahMos
Theo trang MaxDefense Philippines, ngày 6-1-2025, Lục quân Philippines đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với BrahMos Aerospace, tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ đa quốc gia có trụ sở tại Ấn Độ để mua thêm các tổ hợp tên lửa bờ chống hạm BrahMos. Đây là một phần của Dự án trang bị hệ thống tên lửa bờ chống hạm cho Lục quân và Thủy quân Lục chiến Philippines. Dự án điều chỉnh lần này đặt mục tiêu mua 9 tổ hợp tên lửa BrahMos, mở rộng so với phiên bản dự án trước đó, vốn chỉ đề xuất mua 2 tổ hợp.
Dự án trang bị hệ thống tên lửa bờ chống hạm bắt nguồn từ Dự án mua sắm hệ thống tên lửa bờ được khởi động năm 2015 nhưng sau đó bị hủy bỏ. Dự án này được chuyển đổi thành Dự án hệ thống tên lửa trên đất liền vào năm 2019 và được phê duyệt vào năm 2021. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, dự án này không đi được đến bước ký kết hợp đồng, dẫn đến việc được đưa vào Giai đoạn 3 của Chương trình Hiện đại hóa Lực lượng Vũ trang Philippines sửa đổi vào tháng 1-2023. Phiên bản sửa đổi này mở rộng quy mô mua sắm lên 9 tổ hợp tên lửa, với quá trình mua sắm chưa được quyết định là sẽ thực hiện dưới dạng một hợp đồng hay theo từng giai đoạn.
Tháng 4-2024, Philippines nhận bàn giao lô tên lửa BrahMos đầu tiên theo bản hợp đồng trị giá 375 triệu USD ký năm 2022. Lô hàng bao gồm các tên lửa, bệ phóng di động gắn trên xe Tatra 6x6, và gói hỗ trợ hậu cần tích hợp. Các sĩ quan Thủy quân Lục chiến Philippines đã hoàn tất chương trình đào tạo vận hành và bảo dưỡng hệ thống này. Các tổ hợp BrahMos của Philippines được cấu hình với mỗi tổ hợp gồm hai bệ phóng để phù hợp với điều kiện nhiệt đới, khác với cấu hình ba bệ phóng mà Ấn Độ thường sử dụng.
Tên lửa BrahMos là sản phẩm hợp tác giữa Cơ quan nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) và Viện thiết kế tên lửa NPO Mashinostroyeniya của Liên Bang Nga. Phiên bản xuất khẩu của tên lửa này có tầm bắn 290km, trong khi phiên bản nội địa có tầm bắn lên tới 900km. Tên lửa sử dụng hệ thống động cơ đẩy hai giai đoạn, gồm động cơ đẩy nhiên liệu rắn để phóng lúc đầu và động cơ ramjet nhiên liệu lỏng cho hành trình bay. Tên lửa có thể đạt tốc độ từ Mach 2 đến Mach 3 và mang theo đầu đạn nặng 200-300kg, bao gồm đầu đạn nổ mạnh, bán xuyên giáp, hoặc đầu đạn phân mảnh. Hệ thống dẫn đường của tên lửa BrahMos kết hợp định vị quán tính và radar tự dẫn, cho phép tấn công chính xác với ít sự can thiệp nhất sau khi phóng.
TRUNG THÀNH (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-17...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận