Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều biến động như xung đột địa chính trị leo thang, giá dầu giảm, giá vàng tăng... dẫn tới thị trường hàng hóa, tiền tệ toàn cầu biến động mạnh. Với đặc thù là nền kinh tế có độ mở lớn, nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những biến động này.
Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, Việt Nam là điểm sáng về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Kiểm soát lạm phát dưới 4%
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2024 là năm đánh dấu sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đối với phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện qua ban hành nhiều công điện, văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó có NHNN Việt Nam. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, địa phương; sự đồng hành, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân, năm 2024 là một năm mang dấu ấn thành công của hoạt động hệ thống ngân hàng, được thể hiện qua các mặt sau: Điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân 11 tháng ở mức 3,69%; chính sách tiền tệ điều hành các giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như điều hành tín dụng đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực; tỷ giá cơ bản ổn định trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động mạnh...
Với các giải pháp đồng bộ của NHNN Việt Nam, đến nay tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023. Tín dụng tập trung vào các ngành sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai những chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản... Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. NHNN Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,96%/năm so với cuối năm 2023.
Các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái và tiến gần mục tiêu 15% của NHNN Việt Nam cho cả năm. Điều này hoàn toàn là khả thi do tốc độ giải ngân đầu tư công mạnh mẽ và nhu cầu tín dụng cao hơn của quý IV-2024. Các chuyên gia MBS cũng dự đoán sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2025 nhờ được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất và thương mại, nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên. Bên cạnh đó, đầu tư công mạnh mẽ hơn trong năm 2025 dự kiến sẽ tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng, phù hợp với mục tiêu phục hồi kinh tế và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025.
Hỗ trợ vốn cho phát triển xanh
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đó là công tác tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm xử lý các ngân hàng yếu kém. Với nỗ lực của NHNN Việt Nam, trong năm 2024, hai trong số 4 ngân hàng 0 đồng đã được chuyển giao bắt buộc. Hai ngân hàng còn lại đang được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển giao. Từ đó, góp phần bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, minh bạch, đáp ứng chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm sau: NHNN Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới để sẵn sàng các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, hiệu quả; phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, giảm nợ xấu, cung cấp vốn hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. NHNN Việt Nam và các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên tinh thần "cả hai cùng thắng". Tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ vốn cho phát triển xanh, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, năng lượng sạch; xử lý nợ xấu; tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Tăng cường bảo mật và bảo đảm an toàn trong hoạt động thanh toán của ngân hàng; đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, thanh toán điện tử, nâng cao tiện ích cho khách hàng...
ANH VIỆT
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mat-bang-lai-suat-cho-vay-tiep-tu...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận