Nguy cơ tiềm ẩn sau quyết định mở rộng định cư tại Cao nguyên Golan của Israel
Quyết định mới nhất của Israel về việc mở rộng các khu định cư tại Cao nguyên Golan đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là các nước Arab, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng tại khu vực.
Theo Reuters, ngày 15-12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thông qua kế hoạch trị giá hơn 40 triệu shekel (tương đương 11 triệu USD) với mục tiêu tăng gấp đôi số dân Israel sinh sống tại Cao nguyên Golan. Ông nhấn mạnh việc mở rộng các khu định cư ở Cao nguyên Golan là yếu tố then chốt trong chiến lược an ninh của Israel. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, ông khẳng định: "Việc củng cố Cao nguyên Golan chính là củng cố Nhà nước Israel và điều này đặc biệt quan trọng ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ vững, khiến khu vực này phát triển và mở rộng định cư tại đây".
Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Đây là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông này được công nhận là nước cộng hòa độc lập. Israel đã chiếm quyền kiểm soát khoảng 2/3 diện tích cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan, một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận, ngoại trừ Mỹ (công nhận năm 2019). Hiện khu vực này có khoảng 30.000 người Israel sinh sống, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, bên cạnh khoảng 23.000 người Druze (một cộng đồng Arab theo nhánh Hồi giáo riêng), phần lớn vẫn giữ quốc tịch Syria.
Sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, Israel nhanh chóng triển khai lực lượng vào vùng đệm biên giới. Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, cho biết động thái này nhằm thiết lập một "khu vực an ninh" mới để ngăn chặn sự xuất hiện của các loại vũ khí hạng nặng và cơ sở hạ tầng khủng bố gần biên giới. Ông nhấn mạnh rằng việc chiếm giữ các vị trí chiến lược như núi Hermon, nằm giữa biên giới Cao nguyên Golan và phần còn lại của Syria, là rất quan trọng về mặt an ninh.
Trong tuần qua, quân đội Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc không kích vào các cảng, sân bay và kho vũ khí của Syria, phá hủy số thiết bị quân sự trị giá hàng tỷ USD. Văn phòng của Thủ tướng Netanyahu cho biết những động thái này của Israel chỉ mang tính phòng thủ, nhằm bảo vệ người dân Israel, đặc biệt là cộng đồng người Israel trên Cao nguyên Golan.
Tuy nhiên, kế hoạch của Israel đã vấp phải sự chỉ trích từ Liên hợp quốc và các nước Arab, với cáo buộc rằng đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia ngày 15-12 chỉ trích kế hoạch tăng gấp đôi dân số ở Cao nguyên Golan của Israel, cáo buộc kế hoạch này nhằm phá hoại nỗ lực kiến tạo hòa bình và ổn định tại Syria.
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cảnh báo hành động của Israel có thể làm gia tăng căng thẳng khu vực, kiên quyết phản đối bất kỳ biện pháp nào thay đổi hiện trạng pháp lý của Cao nguyên Golan. Quốc gia này đồng thời nhấn mạnh việc mở rộng khu định cư là mối đe dọa trực tiếp đến chủ quyền và an ninh của Syria. Qatar thì đánh giá hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế. Quốc gia này kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động can thiệp và tái khẳng định sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Tình hình khu vực Trung Đông đang được đánh giá là cực kỳ nguy hiểm khi leo thang nối tiếp leo thang. Tình hình hiện nay phụ thuộc rất lớn vào việc Israel sẽ tiếp tục có những bước đi như thế nào và phản ứng của các bên liên quan ra sao. Việc kiềm chế những hành động có khả năng leo thang căng thẳng là rất cần thiết, dù là với Israel, với Syria hay với tất cả các nước trong khu vực “chảo lửa”.
BẢO CHÂU
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/nguy-co-tiem-an-sau-quyet-dinh-mo-r...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận