Kiểm soát thuế từ bán hàng qua hình thức livestream
Thời gian gần đây, hình thức livestream (phát trực tiếp) quảng cáo sản phẩm và bán hàng trên mạng xã hội được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng khá phổ biến để hỗ trợ kinh doanh.
Tuy nhiên, vì mua, bán qua mạng nên hình thức bán hàng này tiềm ẩn những rủi ro, gây khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế.
Khó xác định thông tin bán hàng
Theo quy định pháp luật thuế hiện hành, việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream phải thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: Tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Đối với các cá nhân khác (blogger, tiktoker, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội...) được trả hoa hồng từ việc thực hiện livestream bán hàng thì sẽ chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và nộp thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc (5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%).
Trường hợp khoản hoa hồng này được trả cho đối tượng là hộ kinh doanh thì được tính là doanh thu từ hoạt động kinh doanh nếu hộ kinh doanh đó có đăng ký kinh doanh với ngành nghề phù hợp, có đăng ký thuế hộ kinh doanh và đang được cơ quan thuế quản lý thuế theo hình thức hộ khoán ổn định hoặc là hộ kê khai. Trường hợp này, hộ kinh doanh khai nộp thuế theo mức thuế 7% (5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân). Đối với các trường hợp cá nhân hưởng hoa hồng thuộc diện điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công thì các tổ chức, doanh nghiệp chi trả hoa hồng có trách nhiệm khai thuế, khấu trừ thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đưa vào quản lý thuế đối với các KOL (người có sức ảnh hưởng), KOC (người tiêu dùng chủ chốt), youtuber, tiktoker và người nổi tiếng nhận thu nhập từ việc thực hiện review (đánh giá và nhận xét), quảng cáo và có các phiên livestream lớn để bán các sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều phiên livestream diễn ra tự phát và kết thúc nhanh chóng; khi xong livestream là người bán hàng xóa đường link. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc xác định thông tin của đơn vị bán hàng và giá trị hàng hóa giao dịch qua phiên livestream.
Đối với người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử có thuê các đơn vị cung cấp dịch vụ giao nhận thu hộ tiền bán hàng (COD), cơ quan thuế đề nghị các đơn vị giao nhận này cung cấp danh sách người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử (chi tiết theo: Tên doanh nghiệp, cá nhân; mã số thuế; số tiền thu hộ, hợp đồng thuê các đơn vị giao nhận thu hộ tiền...). Tuy nhiên, các đơn vị giao nhận chưa cung cấp hoặc có cung cấp nhưng không đầy đủ thông tin. Do đó, việc xác định được chính xác tên tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nói chung hay người bán hàng qua hình thức livestream nói riêng để quản lý thuế thương mại điện tử theo quy định hiện hành là rất phức tạp cho cơ quan thuế.
Sử dụng các công cụ thống kê trực tuyến
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế sẽ thông qua các công cụ thống kê, phân tích dữ liệu thương mại điện tử trực tuyến như: Metric.vn, Kalodata.com... để xác định, ước tính thu nhập, nắm bắt thông tin gian hàng của các cá nhân, tổ chức thông qua bán hàng hóa, tiếp thị liên kết từ hoạt động livestream. Người nộp thuế thông thường sẽ sử dụng cùng tên gian hàng này để kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada... Do đó, cơ quan thuế sẽ thực hiện tra cứu thông tin gian hàng trên kho dữ liệu tập trung của ngành thuế để truy xuất thông tin liên hệ nhằm thực hiện quản lý thuế.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý khác như: Quản lý thị trường, hải quan, cơ quan điều tra để trao đổi thông tin, thực hiện phối hợp rà soát đối với các đối tượng có thu nhập từ phiên livestream. Trường hợp không tuân thủ nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế, chuyển cơ quan điều tra khi có dấu hiệu cố ý vi phạm pháp luật. Tổng cục Thuế tiếp tục làm việc với nhà cung cấp nước ngoài cung cấp các nền tảng trực tuyến tại Việt Nam có hoạt động livestream bán hàng (ví dụ như TikTok...) để khai thác thông tin dữ liệu thống kê về thu nhập của cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động livestream tại Việt Nam. Qua đó tiếp tục làm giàu kho cơ sở dữ liệu tập trung của ngành thuế phục vụ công tác quản lý thuế.
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25-11-2024 yêu cầu một số bộ và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ, trong đó nghiên cứu đề xuất: Quy định người bán có thể ủy nhiệm cho sàn giao dịch thương mại điện tử lập hóa đơn điện tử giao cho người mua; quy định trách nhiệm các bộ, cơ quan liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai các giải pháp hóa đơn điện tử đối với hoạt động thương mại điện tử.
Bài và ảnh: ANH VIỆT
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kiem-soat-thue-tu-ban-hang-qua-hi...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận