Quân sự thế giới hôm nay (13-11): Lộ diện ứng viên tiêm kích thế hệ thứ 6 của Trung Quốc
Quân sự thế giới hôm nay (13-11) có những nội dung sau: Lộ diện ứng viên tiêm kích thế hệ thứ 6 của Trung Quốc; Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển hệ thống Pantsir-S1 mới; Anh cân nhắc mua thêm tiêm kích F-35 thay vì Typhoon.
* Tiêm kích thế hệ thứ 6 của Trung Quốc lộ diện
Bulgarian Military đưa tin, tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ quốc tế Trung Quốc khai mạc ngày 12-11 tại Chu Hải (tỉnh Quảng Đông), một nguyên mẫu máy bay chiến đấu bí ẩn đã xuất hiện, thu hút sự chú ý và tò mò của khách tham quan.
Thông tin về chiếc máy bay này chỉ được cung cấp trên một tấm bảng nhỏ, với nội dung cho biết, máy bay này có tên là White Emperor Type B (hay Bạch Đế B), do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) phát triển, để trở thành ứng cử viên mới nhất trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Trung Quốc, vốn nằm trong Dự án Nam Thiên Môn (Nantianmen Project), có mục tiêu phát triển các phương tiện chiến đấu trên không và trong không gian.
Nhìn tổng thể, White Emperor Type B gây ấn tượng với thiết kế rất tương lai. Các đường nét góc cạnh cùng kiểu bố trí tăng cường khí động học, phản ánh nỗ lực của nhà phát triển để giúp máy bay gần như "vô hình" trước các hệ thống radar của đối phương.
Phần mũi nhọn, tròn của máy bay được thiết kế tỉ mỉ và lạ mắt. Trong khi đó, mái che buồng lái có thiết kế tối màu, gồm nhiều lớp để giảm tín hiệu phản xạ, cũng như bảo vệ phi công khỏi các hệ thống vũ khí nhắm mục tiêu bằng tia hồng ngoại và laser.
Thân máy bay nổi bật với thiết kế rộng, thon gọn về phía sau. Thiết kế này kết hợp các khoang bên trong rộng rãi để tăng tải trọng chứa vũ khí. Cấu hình cánh đặc biệt đáng chú ý với thiết kế hình tam giác nhỏ gọn, cùng các cạnh sắc nét. Thiết kế đó nhằm đạt tốc độ siêu thanh và khả năng cơ động nhanh nhẹn, giống như loài chim săn mồi.
Ở phía sau máy bay, ống xả động cơ kép, hình bầu dục, nhằm phân tán nhiệt, hạn chế tối đa việc bị phát hiện bằng cảm biến hồng ngoại. Bộ phận hạ cánh của máy bay tiết lộ một chi tiết đáng chú ý khác, đó là cấu trúc bánh đáp rộng, tiên tiến, chắc chắn, qua đó cho thấy máy bay có thể cất và hạ cánh trên nhiều bề mặt, thậm chí là đường băng không lý tưởng. Tính năng này hiếm thấy ở máy bay chiến đấu tàng hình, bởi chúng thường hoạt động từ các đường băng tiêu chuẩn cao.
Các thông số kỹ-chiến thuật của máy bay chưa được công bố. Tuy nhiên, từ năm 2019, Tập đoàn máy bay Thành Đô từng cho biết, Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu phát triển một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6, có thể đi vào hoạt động vào năm 2035.
Chiếc máy bay chiến đấu tương lai có khả năng hoạt động kết hợp với máy bay không người lái (UAV), sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến đa hướng và được trang bị vũ khí năng lượng định hướng. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) hồi đầu năm đã công bố một đoạn video hé lộ những hình ảnh mới nhất về các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
* Ấn Độ và Nga hợp tác phát triển hệ thống Pantsir-S1 mới
Theo EurAsian Times, nhà thầu Ấn Độ Bharat Dynamics Limited vừa ký một bản ghi nhớ với công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport của Nga, về phát triển các phiên bản mới của hệ thống tên lửa-pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1.Đây là bước đi mới nhất trong lĩnh vực hợp tác quân sự, quốc phòng giữa hai nước, trong bối cảnh Nga và Ấn Độ đang quyết tâm hoàn thành thương vụ mua sắm hệ thống phòng không S-400.
EurAsian Times đánh giá, thỏa thuận tiềm năng này thể hiện những nỗ lực liên tục của Ấn Độ nhằm tăng cường năng lực phòng không, để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và các địa điểm chiến lược. Hệ thống Pantsir-S1, với hiệu quả tác chiến cao trước nhiều mối đe dọa trên không như máy bay, trực thăng, UAV và tên lửa, sẽ đóng vai trò là nguồn hỗ trợ bổ sung cho hệ thống S-400, giúp tăng thêm chiều sâu và tính linh hoạt cho mạng lưới phòng không của Ấn Độ.
Nếu hai bên đặt bút ký, các biến thể của hệ thống Pantsir-S1 chắc chắn sẽ được Nga chia sẻ công nghệ và bản quyền sản xuất cho Ấn Độ, bởi lâu nay New Delhi đang theo đuổi chính sách nội địa hóa và sản xuất trong nước.
Pantsir-S1 được trang bị 2 pháo tự động cỡ nòng 30mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút. Điểm nổi bật của hệ thống này là tổ hợp radar hiện đại, được cấu thành từ một ăngten mảng pha phân kỳ và một radar theo dõi tần sóng kép.
Việc sử dụng đồng thời 2 kênh dẫn đường giúp cho hệ thống có thể đối phó được với các loại tên lửa chống phát xạ radar. Mặt khác, Pantsir-S1 còn mang theo 6 tên lửa 57E6M-E tầm bắn tối đa 30km và 6 tên lửa 57E6-E tầm bắn 18km.
* Anh cân nhắc mua thêm tiêm kích F-35 thay vì Typhoon
Tuần báo quân sự Jane’s Defense Weekly dẫn lời một quan chức Anh cho biết, nước này đang nghiêng về lựa chọn tiếp tục mua tiêm kích F-35B Lightning II cất/hạ cánh thẳng đứng, thay vì tiêm kích Eurofighter Typhoon.
Typhoon vẫn là dòng tiêm kích xương sống trong Không quân Hoàng gia Anh, trong khi tiêm kích F-35B lại là những "gương mặt mới" và phục vụ trong cả Không quân Hoàng gia và Hải quân Hoàng gia xứ sở sương mù.
Hiện, quân đội Anh đang vận hành 137 chiếc Typhoon và 34 chiếc F-35B. Chương trình phát triển cả hai dòng máy bay này đều có sự tham gia của London.
Không quân Hoàng gia Anh dự tính sẽ loại biên máy bay Typhoon vào năm 2040 và thay thế bằng Dự án phát triển tiêm kích đa nhiệm thế hệ mới Tempest. Tuy nhiên, chương trình Tempest sẽ không ảnh hưởng đến đơn đặt hàng tiêm kích F-35 của Mỹ cho lực lượng này.
Theo Jane’s Defense Weekly, xét đến khả năng tác chiến và yêu cầu nhiệm vụ, quân đội Anh đang cân nhắc ưu tiên mua thêm tiêm kích F-35B, bởi máy bay này sở hữu khả năng tàng hình, cảm biến tiên tiến và phạm vi chiến đấu vượt trội, khiến nó trở thành khí tài quan trọng của Không quân Anh trong việc đối đầu với các mối đe dọa hiện đại.
Anh từng được cho là khách hàng lớn nhất của F-35 và ban đầu dự định mua 150 chiếc. Sau đó, con số này giảm xuống còn 138, rồi London tiếp tục chỉ cam kết mua 74 chiếc.
Tuy nhiên, theo Jane’s Defense Weekly, tình hình an ninh khu vực xấu đi đã khiến Anh có thể đang cân nhắc quay trở lại con số 138. Dẫu vậy, không rõ Anh sẽ cân nhắc mua chính xác bao nhiêu chiếc F-35 và liệu họ có mua biến thể F-35A dành riêng cho không quân, hay sẽ tiếp tục sử dụng F-35B. Đến nay, Anh là quốc gia duy nhất chỉ mua F-35B.
MINH ANH (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-13...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận