Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả
Ngày 12-11, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vi Na (Vina CHG) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Ngày nay, tình trạng hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trở thành thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong quá trình bảo vệ thương hiệu và duy trì niềm tin khách hàng. Hội thảo hướng đến việc nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về vai trò của công nghệ số trong việc ngăn chặn và xử lý hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Hội thảo còn là dịp để các doanh nghiệp tiếp cận những giải pháp chuyển đổi số tiên tiến trong phòng, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng bán lẻ hàng hóa trên môi trường mạng của Việt Nam năm 2021 đạt gần 13,7 tỷ USD, năm 2022 là hơn 16 tỷ USD, năm 2023 là 20,5 tỷ USD và các năm tiếp theo dự kiến tăng từ 20% đến 25% mỗi năm, kéo theo dịch vụ hậu cần, chuyển phát... phát triển mạnh. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu từ đây chiếm tới 90-95%.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cho biết, có ba loại doanh nghiệp bị tác động mạnh mẽ nhất bởi hàng giả là các nhãn hàng, các nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử. Hàng giả làm mất niềm tin người tiêu dùng, mất uy tín thương hiệu, ảnh hưởng tới doanh thu và thị phần. Hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu trà trộn vào chuỗi cung ứng tại các điểm “chuyển giao” vận tải như cửa khẩu, cảng biển, giữa hai nhà phân phối bằng cách khai thác vấn đề của vận đơn (BOL).
Tiến sĩ Trần Quý cho rằng, vận đơn vật lý (hợp đồng giấy) ngày càng tỏ ra kém hiệu quả khi dễ dàng sao chép và không an toàn. Do đó, vận đơn thông minh (Smart BOL) giúp an toàn hơn khi không thể sao chép, sửa đổi, có thể dễ dàng chia sẻ, liên thông trong chuỗi cung ứng; tích hợp với các hệ thống thông tin và IoT để tự động cập nhật dữ liệu… Điều này sẽ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, kiểm soát nguồn gốc hàng hóa dễ dàng.
Tại hội thảo, Hiệp hội Yến sào Việt Nam và Công ty Vina CHG đã ký kết “Chương trình hợp tác trong phòng, chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”. Đây là bước tiến chiến lược, hướng tới hợp tác bền vững trong bảo vệ ngành yến sào Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên và quyền lợi của người tiêu dùng.
Tin, ảnh: XUÂN NGUYÊN
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/day-manh-chuyen-doi-so-trong-linh-vu...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận