Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông: Cải tiến hay thêm áp lực?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hiện đang tiến hành lấy ý kiến công luận về dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), trong đó có nhiều nội dung đổi mới đáng chú ý nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, các đề xuất này đã gặp phải không ít ý kiến trái chiều.
Số bài thi tăng lên
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến, thí sinh phải làm 6 môn thi tốt nghiệp THPT, trong đó 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử và cùng với 2 môn học tự chọn trong số 7 môn học đã chọn học là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Tin học và Công nghệ. Như vậy, so với phương án thi tốt nghiệp hiện hành, số bài thi học sinh phải làm tăng lên.
Thông tư mới được xây dựng trên cơ sở các thay đổi của chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018. Theo đó, kỳ thi THPT không chỉ là một hình thức đánh giá kiến thức mà còn hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực cho học sinh. Mục tiêu của Thông tư là đáp ứng yêu cầu đánh giá đa chiều, giúp học sinh phát triển toàn diện từ trí tuệ, phẩm chất đạo đức, sức khỏe đến kỹ năng xã hội.
Tuy nhiên, thực tế tổ chức thi thời gian qua vẫn thiên về đánh giá kiến thức mà chưa chú trọng đủ đến các yếu tố khác. Các kỳ thi hiện nay chủ yếu đánh giá năng lực tư duy và kiến thức sách vở (thường gọi là mặt “Trí”), nhưng chưa có điều kiện để đánh giá các yếu tố như đạo đức, sức khỏe, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm của học sinh.
Đánh giá kiến thức tức là đánh giá kết quả học tập của học sinh qua học các môn học hay hoạt động giáo dục bắt buộc và các môn học tự chọn. Nếu vậy thi, cũng phải thi theo các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn trong chương trình mới. Ngoài ra, cũng cần lưu ý, thi không được làm tăng áp lực cho học sinh, tức là thi quá nhiều môn, theo cách “học gì thi nấy”. Hiện nay việc tổ chức học tập ở cấp THPT, rất khác so với những năm học trước, học sinh được tự chọn một số môn học, nhằm định hướng nghề nghiệp và thỏa mãn ham muốn theo học một số môn mà các em ưa thích.
Bên cạnh đó, quan điểm hướng dẫn thi, ngoài tính đặc thù, cũng cần thống nhất giữa các bậc học, đặc biệt cần nghiên cứu kỹ, rất thận trọng Thông tư cũ (hướng dẫn thi hiện hành), để quyết định nội dung nào cần bỏ, chỉnh sửa, bổ sung hay cần phải thay thế mới.
Những đề xuất cơ bản
Thi ba môn, trong đó môn Toán và Ngữ văn là thi bắt buộc. Quy định này sẽ chấm dứt các địa phương đưa ra các môn thi không thống nhất, thường theo cảm tính, thói quen của các Sở GDĐT. Những năm trước có địa phương thi tất cả các môn trong chương trình lớp 9, dưới dạng các bài thi tổ hợp của nhiều môn. Môn Toán và Ngữ văn là hai môn học đại diện và nền tảng của Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội và còn là cơ sở phát triển trí tuệ logic và cảm xúc của học sinh. Khi chọn môn thi bắt buộc Toán và Ngữ văn sẽ đồng bộ với hai môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Môn thi thứ 3 là tự chọn, nên giao quyền cho các địa phương tùy điều kiện dạy học khác nhau đưa ra nhóm môn học để học sinh lựa chọn. Cũng cần lưu ý, tự chọn môn học mà không nên tự chọn bài thi là tổ hợp môn học vì chúng ta đã có các môn thi bắt buộc được đại diện hai tổ hợp môn học Tự nhiên và Xã hội rồi. Ngoài ra, cho học sinh lớp 9 tự chọn môn học nhằm định hướng nghề sớm ở cấp THPT. Đây là việc làm vừa đồng bộ với học tự chọn ở THPT vừa đáp ứng nhu cầu của cá nhân học sinh.
Bài thi môn Ngữ văn theo tự luận các môn thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm qua đã khẳng định tính đúng đắn và phù hợp với xu thế thời đại công nghệ số, do vậy kỳ thi tuyển sinh cũng nên kế thừa và đồng bộ phương thức ra đề thi, chấm thi trong toàn ngành. Điều này vừa có lợi cho người làm thi vừa có lợi cho các thí sinh.
Duy trì cả ba hình thức tuyển sinh qua thi tuyển; qua xét tuyển và kết hợp cả hai. Đây là quy định trong Hướng dẫn tuyển sinh cũ, nhưng có tư tưởng đổi mới và hiện đại. Chúng ta phải tiến tới hạn chế thi theo cách đánh giá bằng định lượng, tăng cường đánh giá học sinh qua kỹ năng phi nhận thức và kỹ năng mềm (tức là qua xét tuyển). Một số quốc gia có nền giáo dục phát triển họ rất chú trọng tới bài viết luận của thí sinh. Đây thực chất là thí sinh phải mô tả và viết ra “chân dung” tự họa của mình, cùng những minh chứng trong quá trình hình thành và phát triển toàn diện bản thân.
TS ĐẶNG TỰ ÂN, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam
Theo https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/thi-tot-nghiep-trung-hoc-p...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận