Những triển lãm trong lòng di sản
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11, hứa hẹn mang đến cho công chúng nhiều bất ngờ. Trong đó, không thể không kể tới những triển lãm trong lòng di sản.
Quen thuộc với công năng giáo dục tòa nhà 19 Lê Thánh Tông - một trong những cơ sở của Trường Đại học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng có thể nhiều người chưa biết, đây cũng là công trình hiếm hoi tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương còn giữ được gần như nguyên vẹn. Song song với đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội cũng vừa là một biểu tượng kiến trúc với sự kết hợp hài hòa giữa cụm các tòa nhà kiến trúc Pháp và các toà nhà kiến trúc hiện đại được xây dựng sau này, vừa là một nơi lưu giữ những ký ức sáng tạo của nhiều thế hệ thanh thiếu nhi.
Trong cảm hứng sáng tạo của Lễ hội năm nay, lần đầu tiên, 2 di sản này sẽ mở cửa và “đối thoại” với đông đảo công chúng tham quan thông qua 2 “Đại triển lãm” với trên 50 thử nghiệm sáng tạo nghệ thuật.
Điểm khởi đầu của “Trục Tinh hoa di sản” Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông là Cung Thiếu Nhi Hà Nội, nơi tổ chức Đại triển lãm “Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” với trên 30 hoạt động, bao gồm hàng loạt chương trình triển lãm, chiếu phim, biểu diễn sân khấu, sân chơi, sắp đặt kiến trúc; kết hợp với các sự kiện vệ tinh như workshop, hành trình trải nghiệm, tọa đàm và các hoạt động cộng đồng.
Chuỗi các hoạt động tại đây có sự tham gia đa dạng của các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà làm phim, nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật... Dù ở những độ tuổi khác nhau, lĩnh vực khác nhau, nhưng tất cả đều chia sẻ cảm thức về lịch sử và văn hóa của Cung Thiếu nhi Hà Nội.
Nhóm giám tuyển đã lựa chọn các tác phẩm có sự phản hồi, tương tác đồng điệu với bối cảnh và cả các sáng tác có tính đối thoại với từng không gian và ký ức của Cung Thiếu nhi. Qua đó, kích hoạt những di sản vô hình và hữu hình đã và đang lưu giữ ở đây. Trong đó, đáng chú ý là Pavilion Hành lang Ấu trĩ - không gian kiến trúc mang tính biểu tượng kết nối những tuyến hành lang đã từng, đã có, đã cũ của tuổi thơ và những hành lang mới, hiện tại và có thể là các hành lang trong tương lai.
Pavilion bắt đầu từ hành lang Ấu trĩ viên, sắp đặt thêm kiến trúc tạo thành các hành lang nhỏ, len lỏi để ra sân chung bên ngoài. Đây sẽ là không gian để chơi, để trốn tìm, để kết nối, trò chuyện và tương tác, ngắm nhìn và liên kết những suy tưởng và hoài niệm trong cảm nhận của mỗi người.
Điểm cuối của “Trục Tinh hoa di sản” này là tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ - tiền thân là tòa nhà chính của Đại học Đông Dương - nơi diễn ra Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm thức Đông Dương”. Đại triển lãm trưng bày 22 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Các tác phẩm nghệ thuật thị giác sẽ được “phủ kín” từ sảnh chính cho đến giảng đường, hành lang, từng ô cửa sổ và mái vòm của toà nhà…
Với triển lãm lần này, các nghệ sĩ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để “kể” những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Cụm tác phẩm hứa hẹn là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh và âm thanh, gợi mở cái nhìn sâu sắc hơn về kiến trúc và nghệ thuật của di sản và sự sáng tạo trân trọng di sản, hài hòa với di sản để chuyển tải những câu chuyện lịch sử, hiện đại một cách độc đáo.
( Theo https://daidoanket.vn/nhung-trien-lam-trong-long-di-san-10293227.html)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận