Thúc đẩy sản xuất nông sản dịp cuối năm
Do ảnh hưởng của bão số 3, lĩnh vực nông nghiệp của TP Hà Nội chịu thiệt hại nặng nề, trong đó có hoạt động trồng trọt. Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ thiệt hại cho người dân, thúc đẩy hoạt động sản xuất, đưa nông sản phát triển trở lại, bảo đảm nguồn cung dịp Tết Nguyên đán 2025.
Phấn đấu sản lượng cây vụ đông đạt khoảng 370.000 tấn
Đến thời điểm hiện tại, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội do ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão lên tới 2.287 tỷ đồng, trong đó 22.848ha lúa bị gãy, đổ, giập nát; 13.832ha lúa bị ngập; 10.830ha rau màu bị ngập; 9.045ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Để khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP Hà Nội cùng chính quyền địa phương các cấp triển khai xây dựng phương án cụ thể, phù hợp với thực tiễn, trong đó đưa ra mức hỗ trợ người dân nhằm khôi phục sản xuất đối với một số loại cây trồng bị thiệt hại và phát triển cây vụ đông với tổng kinh phí dự kiến hơn 213 tỷ đồng. Cụ thể, UBND TP Hà Nội hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với đậu tương, ngô, lạc; 30 triệu đồng/ha đối với khoai tây, khoai lang và 10 triệu đồng/ha đối với rau các loại.
Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, quy định mức hỗ trợ đối với diện tích ngô và rau màu các loại tối đa 2 triệu đồng/ha. Vì vậy, mức hỗ trợ của TP Hà Nội thể hiện sự nỗ lực rất lớn của chính quyền Thủ đô trong việc đồng hành với người dân đẩy mạnh hoạt động khôi phục sản xuất, hướng đến cung ứng các sản phẩm nông sản cho thị trường dịp cuối năm.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh tế đối với người dân, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở NN-PTNT và các địa phương tập trung bơm thoát, tiêu úng cục bộ, không để tình trạng ngập kéo dài, gây thiệt hại cho cây trồng, đồng thời tranh thủ khi mực nước xuống thấp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Đối với diện tích lúa bị ngập nước, hạt nảy mầm cần tiến hành thu hoạch để có thể tận dụng làm thức ăn gia súc, lấp ủ thân cây làm phân bón để tái sản xuất...
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển sản xuất nhằm bù đắp sản lượng cho những diện tích cây trồng vụ mùa bị thiệt hại, UBND TP Hà Nội phấn đấu diện tích sản xuất cây vụ đông năm nay đạt từ 32.000 đến 33.000ha; từ đó ước tính sản lượng cây vụ đông đạt khoảng 370.000 tấn, tăng khoảng 57.000 tấn, bù đắp khoảng 50.000 tấn sản lượng rau màu bị thiệt hại, số còn lại phục vụ nhu cầu tăng thêm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Cần thêm cơ chế hỗ trợ các loại cây trồng khác
Tuy nhiên, thiệt hại về trồng trọt trên địa bàn Thủ đô không chỉ có đậu tương, ngô, lạc, khoai tây, khoai lang mà còn rất nhiều loại cây trồng khác nhưng chưa có quy định cụ thể về mức hỗ trợ. Chia sẻ về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ mười tám của HĐND TP Hà Nội, đồng chí Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết: "Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn quận, thiệt hại của người dân trồng đào, quất ước tính khoảng 64 tỷ đồng (thiệt hại đối với cây đào khoảng 39 tỷ đồng; với cây quất là 25 tỷ đồng). Trước tình hình đó, quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT TP Hà Nội đề xuất mức hỗ trợ 60 triệu đồng/ha đối với cây đào và 90 triệu đồng/ha đối với cây quất".
Theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại nhưng chưa đưa vào trong quy định thì chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ khả năng cân đối ngân sách, đặc điểm sản xuất và nhu cầu của địa phương để quy định mức hỗ trợ cụ thể cho phù hợp. Vì vậy, trên cơ sở quy định đó, đồng chí Lê Thị Thu Hằng đề xuất, thành phố cần có cơ chế cho phép sử dụng ngân sách của quận để thực hiện hỗ trợ người dân trên địa bàn sớm ổn định sản xuất và khôi phục kinh tế.
Chia sẻ khó khăn với quận Tây Hồ và các địa phương, Phó chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết: "UBND TP Hà Nội đã thực hiện rà soát để trình HĐND thành phố quyết định hỗ trợ sản xuất cây vụ đông, khắc phục hậu quả bão số 3. Tuy nhiên, thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố là rất lớn, ngoài danh mục các loại cây trồng như ngô, đậu tương... còn hàng loạt cây sản xuất có giá trị hàng hóa cao như cam canh, phật thủ, đào, quất, bưởi... cần cân nhắc xem xét hỗ trợ, mục tiêu là khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống cho người dân".
HOÀNG CHUNG
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-san-xuat-nong-san-dip-cu...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận