Du lịch Đà Nẵng về đích sớm mục tiêu năm 2024
TP. Đà Nẵng đã đón 8,7 triệu lượt khách, vượt mục tiêu năm 2024 và vượt mức cao nhất của du lịch thành phố thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019).
Đón 8,7 triệu lượt khách
Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, 9 tháng đầu năm, các cơ sở lưu trú trên địa bàn phục vụ đạt khoảng 8,7 triệu lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy với việc đón 8,7 triệu lượt khách trong 9 tháng qua, du lịch Đà Nẵng đã sớm cán đích mục tiêu của năm 2024 là đón 8,4 triệu lượt.
Bên cạnh đó, với 3,17 triệu lượt khách quốc tế, thành phố cũng vượt chỉ tiêu đón khách quốc tế (2,5 triệu lượt) và gần đạt mức cao nhất hồi năm 2019 trước dịch COVID-19 (3,5 triệu lượt). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành trên địa bàn 9 tháng cũng hết sức khả quan, đạt hơn 26.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho hay, năm 2019 là thời kỳ đỉnh cao của du lịch Đà Nẵng khi đón gần 8,7 triệu khách, mang về nguồn thu gần 31.000 tỷ đồng. Riêng khách quốc tế thời điểm đó là 3,5 triệu lượt.
Có thể nói, năm 2024 ngành du lịch thành phố đạt kết quả vượt ngoài mong đợi. Tuy còn khó khăn do một số thị trường truyền thống bị ảnh hưởng bởi những biến động toàn cầu nhưng du lịch Đà Nẵng ghi nhận sự bật tăng rất mạnh của một số thị trường lớn mới như Ấn Độ, Indonesia. Du lịch Đà Nẵng cũng ghi nhận sự quay lại của thị trường Nhật Bản và đặc biệt là thị trường các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Singapore…
Đồng thời từ đầu năm 2024 đến nay, du lịch thành phố khai thác tốt thị trường Australia và New Zealand; thị trường châu Âu, Mỹ đến Đà Nẵng cũng tăng ấn tượng.
Không còn nỗi lo "mùa thấp điểm"
Trước đây, ngành du lịch thường lo lắng khi bước vào "mùa thấp điểm", đặc biệt là lượng khách nội địa giảm sâu. Tuy nhiên những năm trở lại đây, thành phố đang thu hút được lượng khách ổn định vào dịp này nhờ vào các sự kiện lớn, các đoàn khách MICE, khách quốc tế...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng nhận định, khái niệm "mùa thấp điểm" có vẻ không nên áp dụng cho du lịch Đà Nẵng nữa. Từ tháng 10 trở đi, lượng khách từ thị trường truyền thống Hàn Quốc, Trung Quốc ít đi, nhưng lại bước vào mùa cao điểm của thị trường châu Âu, châu Úc, châu Mỹ.
"Nếu trước đây Đà Nẵng phụ thuộc vào nguồn khách truyền thống Trung Quốc và Hàn Quốc, thì nay thành phố đã tìm kiếm thêm các thị trường mới để tránh gặp rủi ro khi các thị trường này gặp biến cố hay cú sốc lớn từ bên ngoài, điển hình như đại dịch COVID-19 vừa qua", ông Cao Trí Dũng chia sẻ.
Theo ông Cao Trí Dũng, TP. Đà Nẵng vừa có thêm đường bay kết nối với Kuala Lumpur. Đây là đường bay kết nối tốt với khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Đông… giúp khai thác những thị trường mới, tiềm năng. Hơn nữa, từ đây đến cuối năm là cao điểm của khách quốc tế, đặc biệt tháng 10 trở đi sẽ tập trung khai thác khách châu Âu, châu Úc, châu Mỹ.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, những năm gần đây, ngay trong mùa thấp điểm ngành du lịch thành phố vẫn thu hút lượng khách lớn. "Đà Nẵng đang cùng với cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động trong những tháng mưa, lạnh để xây dựng hình ảnh du lịch thành phố gần như quanh năm", bà Nguyễn Thị Hoài An cho hay.
Những tháng cuối năm, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục triển khai các sự kiện, lễ hội đa dạng sản phẩm du lịch như công bố chiến dịch Da Nang Food Tour; thực hiện các mô hình check-in và hoạt động các dịp Noel, chào năm mới 2025…
Dự kiến có các đường bay thuê chuyến (charter) từ Jakarta (Indonesia) - Đà Nẵng do hãng Citilinks khai thác tháng 12; Amedabad (Ấn Độ) - Đà Nẵng do Vietjet Air khai thác cuối tháng 10. Tiếp tục xúc tiến mở các đường bay quốc tế trực tiếp từ Trung Quốc, Nhật Bản (Nagoya, Osaka), Australia, Qatar… đến Đà Nẵng. Triển khai các chương trình kích cầu thu hút khách dịp cuối năm, kích cầu thị trường khách Ấn Độ sau khi mở đường bay, khách Hàn Quốc quay trở lại.
Lưu Hương (https://baochinhphu.vn/du-lich-da-nang-ve-dich-som-muc-tieu-nam-2024-102...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận