Quân sự thế giới hôm nay (26-8): Nga triển khai hệ thống phòng không tối tân 2S38
Quân sự thế giới hôm nay (26-8-2024) có những nội dung sau: Nga triển khai hệ thống phòng không tối tân 2S38 tại Ukraine, Romania trang bị tên lửa AIM-120C-8 cho chiến đấu cơ F-16, vũ khí mới của Ukraine có gì đặc biệt?
* Romania trang bị tên lửa AIM-120C-8 cho chiến đấu cơ F-16
Không quân Romania sẽ tăng cường năng lực phòng thủ bằng cách trang bị tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120C-8 cho các chiến đấu cơ F-16.
Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng (Mỹ) đã công bố đơn đặt hàng 186 tên lửa dẫn đường này trên trang web của mình. Đơn hàng cũng kèm theo các thiết bị thiết yếu khác.
Được phát triển bởi Raytheon, AIM-120C-8 là tên lửa tiên tiến dùng để tác chiến không đối không với độ chính xác và độ tin cậy cao. Dài khoảng 3,66m, đường kính 0,18m, tên lửa tương đối nhẹ, giúp tăng cường khả năng cơ động và hiệu quả trong nhiều tình huống chiến đấu.
Được trang bị đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao, AIM-120C-8 tối đa hóa sát thương mục tiêu, tăng đáng kể khả năng tấn công trúng đích. Một trong những tính năng nổi bật của tên lửa là phạm vi hoạt động ấn tượng với khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 160km. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại để theo dõi chính xác và tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa. Ngoài ra, hệ thống đẩy mạnh mẽ giúp tên lửa nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu. Đây thực sự là một vũ khí đáng gờm trong các cuộc không chiến ngoài tầm nhìn.
* Nga triển khai hệ thống phòng không tối tân 2S38 tại Ukraine?
Nga đã công bố kế hoạch triển khai hệ thống phòng không tối tân 2S38 Derivatsiya-PVO tại Ukraine. Theo Army Recognition, việc triển khai hệ thống này sẽ tăng cường năng lực quân sự của Nga.
Hệ thống phòng không 2S38 được đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cải tiến. Một trong những tính năng đáng chú ý nhất của 2S38 là hiệu quả chống phương tiện bay không người lái (UAV) - một loại vũ khí quan trọng trong chiến tranh hiện đại.
Pháo tự động 57mm của 2S38 có thể bắn với tốc độ cao, được hỗ trợ bởi hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến gồm radar theo dõi mục tiêu, cảm biến quang điện tử để theo dõi và tiêu diệt UAV ở các độ cao khác nhau, thậm chí cả máy bay bay tầm thấp vốn khó bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường. Ngoài UAV, 2S38 còn có khả năng đánh chặn và phá hủy các loại vũ khí có độ chính xác cao như tên lửa hành trình.
Dài 7,8m, rộng 3,23m, cao 2,4m, tổ hợp 2S38 được vận hành bởi kíp lái 3 người, bao gồm chỉ huy, xạ thủ và lái xe; có thể di chuyển với vận tốc tối đa 70km/giờ trên đường trường, phạm vi hoạt động 600km; có thể lội nước với vận tốc 10km/giờ, vượt chướng ngại vật cao 0,8m, vượt hào sâu 2,5m.
* Vũ khí mới của Ukraine có gì đặc biệt?
Lực lượng vũ trang Ukraine đã được trang bị một loại vũ khí tấn công tầm xa mới mang tên Palianytsia. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, loại vũ khí này đã thực hiện nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên trong ngày 24-8.
Đã có báo cáo về một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine ngày 24-8 và cảnh quay do dân địa phương ghi lại với âm thanh của động cơ phản lực. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định chúng có liên quan đến Palianytsia.
Vũ khí này đã được bí mật chế tạo ở mức tuyệt đối. Việc phân loại nó là tên lửa/UAV, theo Defense Express, cho thấy các nhà phát triển đã tối ưu việc cân bằng sức mạnh hủy diệt và chi phí tương đối thấp (so với tên lửa hành trình hoàn chỉnh) để có thể sản xuất hàng loạt.
Theo Bộ trưởng Công nghiệp chiến lược của Ukraine Oleksandr Kamyshin, sẽ có nhiều tên lửa/UAV trong tương lai, cũng như đã có nhiều UAV tấn công tầm xa. Tên lửa/UAV là bước tiếp theo trong quá trình phát triển công nghệ quốc phòng của Ukraine.
Trong đoạn video về sự phát triển Palianytsia do United24Media chia sẻ ngày 25-8, Palianytsia có thiết kế thông thường với cánh chính thuôn nhọn ở giữa thân và 4 cánh nhỏ ở đuôi, trông giống một tên lửa có cánh. Palianytsia được phóng từ hệ thống trên mặt đất, không cất cánh từ đường băng. Video nêu rõ rằng Palianytsia được trang bị động cơ phản lực tua-bin. Một trong những chi tiết được tiết lộ là quá trình phát triển Palianytsia mất 1 năm rưỡi, chi phí thấp hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại và chi phí sẽ tiếp tục giảm khi tăng quy mô sản xuất hàng loạt.
Các thông số kỹ thuật như phạm vi hoạt động, đầu đạn đã được phân loại. Theo video, tên lửa/UAV này được cho là có khả năng vươn tới 20 sân bay của Nga. Một bản đồ trong video cho thấy các căn cứ không quân ở vùng Pskov, sân bay Savasleyka và Engels, căn cứ hoạt động chính của không quân chiến lược Nga.
Để UAV có thể tiếp cận các sân bay gần Pskov, phạm vi hoạt động của chúng phải đạt ít nhất 750km, gần bằng khoảng cách giữa chiến tuyến và Engels, và khoảng 650km đến Savasleyka. Nếu đây không chỉ là ý tưởng trong tưởng tượng của nhà thiết kế đồ họa thì Palianytsia có khả năng vươn xa như một tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
MAI HƯƠNG (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-26...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận