Nhiệm vụ kép đưa văn học Việt Nam ra thế giới
Muốn quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, trước tiên phải tổ chức dịch thuật bài bản. Nhiệm vụ kép này đều đang lâm vào tình trạng mạnh ai nấy làm, thiếu thống nhất, thiếu quản lý. Chính vì vậy, việc có những quy định cụ thể về quảng bá và dịch thuật văn học là hết sức cần thiết.
Về dịch thuật văn học, theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và phát hành ra nước ngoài hằng năm rất ít; trong khi đó sách văn học dịch nước ngoài đang áp đảo, chiếm hơn 50% thị phần sách văn học trong nước. Dịch thuật văn học Việt Nam ra nước ngoài hiện nay chủ yếu thông qua mối quan hệ cá nhân; chưa quy định cơ quan quản lý; thiếu cơ chế huy động kinh phí, đào tạo nhân lực, quy trình lựa chọn tác phẩm để dịch.
Để phát triển dịch thuật văn học, việc đầu tiên cần giải quyết là kinh phí. Chưa tính chuyện kinh phí nhiều hay ít nhưng cơ quan nào sẽ quản lý và phân bổ kinh phí? Có nên tách bạch hai cơ quan quản lý kinh phí và xét chọn tác phẩm?
Việc tổ chức dịch thuật cần có một cơ quan chuyên trách. Trước yêu cầu tinh giản biên chế, mô hình kiểu “trung tâm dịch thuật quốc gia” với đầy đủ ban bệ là cồng kềnh, tốn kém. Có thể giao Hội Nhà văn Việt Nam (cụ thể là Hội đồng văn học dịch của Hội) là cơ quan tổng hợp, điều phối. Riêng về công việc xét duyệt tác phẩm phải do một hội đồng “làm việc thời vụ” đảm nhận, hoàn thành nhiệm vụ là tự giải tán. Hội đồng này sẽ có sự góp mặt của các chuyên gia trong, ngoài nước và một số cơ quan chức năng. Nhiệm vụ của hội đồng trước hết là lập danh sách những tác phẩm văn học từ cổ điển đến đương đại, để cho các dịch giả, đơn vị làm sách lựa chọn. Phải dịch tác phẩm trong danh sách mới được cấp kinh phí, tránh tình trạng một số dịch giả, đơn vị làm sách thiếu thiện chí, cố tình giới thiệu tác phẩm có nội dụng không phù hợp, chất lượng thấp. Trường hợp đặc biệt, muốn nhận được tài trợ dịch thuật tác phẩm mới phải lập hồ sơ trình các cơ quan chức năng thẩm định.
Khi đã hoàn thiện quy trình chuyên nghiệp dịch thuật văn học, chúng ta mới có thể đẩy mạnh quảng bá văn học sâu rộng. Có ý kiến cho rằng, hai việc này cần tiến hành đồng thời. Nhưng thực tế, dịch thuật phải đi trước một bước, nhất là hoàn thiện cơ chế huy động kinh phí, tài trợ. Hội Nhà văn Việt Nam từng tổ chức vài hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam, một số đơn vị làm sách đã quảng bá văn học ở các hội chợ sách quốc tế, tiến hành tiếp thị đến các dịch giả, nhà Việt Nam học ở nước ngoài, song chưa đạt hiệu quả cao. Mấu chốt là các đối tác phải tính toán đến doanh thu khi xuất bản tác phẩm văn học Việt Nam. Yêu quý Việt Nam đến đâu thì các đối tác nước ngoài cũng chỉ dịch một vài tác phẩm, không thể thường xuyên và liên tục. Bởi lẽ xuất bản là ngành công nghiệp văn hóa, là câu chuyện thu về lợi nhuận. Sẽ thật mạo hiểm nếu bỏ vốn, bỏ công sức dịch tác phẩm từ nền văn học Việt Nam chưa được biết đến nhiều, nguy cơ rất khó tiêu thụ.
Về quảng bá văn học, tổ chức hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam vẫn cần thiết song nên quy định quy mô và tần suất tổ chức phù hợp. Điều cần đầu tư là tập trung giới thiệu sách văn học Việt Nam tại hội sách quốc tế, đặc biệt là Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) lớn nhất thế giới. Ngoài ra, trong bối cảnh chuyển đổi số cần sớm thành lập một trang web tập hợp các bản dịch có chất lượng về văn học Việt Nam, các bài viết và công trình giới thiệu nghiên cứu để bất cứ ai có nhu cầu đều dễ dàng tìm hiểu.
Những vấn đề nêu trên không phải là điều mới mẻ mà hàng chục năm nay các cá nhân, tổ chức đã nêu ý kiến. Việc soạn thảo một nghị định về hoạt động văn học là cơ hội để luật hóa các quy định, làm cơ sở pháp lý để dịch thuật, quảng bá tiến hành bài bản, để văn học Việt Nam quen thuộc hơn với độc giả toàn cầu.
MỘC MIÊN
Theo https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/nhiem-vu-kep-dua-van-hoc-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận