Hòa Bình: Chỉ đạo các giải pháp ứng phó với cơn bão số 2
Theo dự báo, từ chiều tối và đêm 22/7 đến ngày 24/7 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa từ 50-100 mm, có nơi trên 150 mm, nguy cơ xảy ra lũ lớn, sạt lở đất...
Để chủ động ứng phó với tình hình diễn biến của bão số 2 (Prapiroon) và ảnh hưởng mưa lũ do hoàn lưu bão, đặc biệt sau đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 15/7 đến ngày 20/7 độ ẩm đất đã gần bão hòa hoặc đạt trạng thái bão hòa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực vùng núi, ngập úng ở các khu vực trũng thấp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch UBND yêu cầu:
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động, phối hợp chặt chẽ, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão số 2 và mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ" nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo các cơ quan chuyên môn về tình hình thời tiết tại địa phương, kịp thời hướng dẫn, thông tin đến chính quyền các xã, phường, thị trấn, người dân, khách du lịch để chủ động các biện pháp phòng, tránh phù hợp.
Tổ chức rà soát, kịp thời phát hiện, chủ động sơ tán, di dời người và phương tiện, tài sản ở những khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn, đặc biệt là tại khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực ngập sâu, ven sông, suối.
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan. Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Kiểm tra, rà soát, chủ động biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, các hồ chứa thủy điện (đặc biệt khi công trình xả lũ khẩn cấp), hồ thủy lợi xung yếu, các hồ chứa đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng, khai thác thủy sản; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với mọi tình huống; rà soát, kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, hệ thống lưới điện không để xảy ra sự cố gây thiệt hại về người khi có mưa lớn.
Chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; kịp thời thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
Yêu cầu UBND thành phố Hòa Bình tiếp tục chủ động ứng phó đảm bảo an toàn trong thời gian Công ty Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả. Thường xuyên thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, các điểm hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi, công trình đang thi công biết về quá trình điều tiết của công trình thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các trọng điểm đê điều xung yếu để triển khai các phương án hộ đê khi xảy ra sự cố; đặc biệt không để người dân tắm sông, đánh bắt cá, phối hợp với Công ty Thủy điện Hòa Bình cử các lực lượng không cho người dân tụ tập, quay phim, chụp ảnh tại các khu vực nguy hiểm, khu vực cấm của Công ty Thủy điện Hòa Bình.
Yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá mức độ tích nước của các hồ chứa; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đập, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập; vận hành các trạm bơm tiêu úng; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý các sự cố phát sinh.
Yêu cầu các sở, ngành chức năng bám sát và sẵn sàng nhân lực, vật tư và các giải pháp phòng chống, ứng phó và xử lý trong mọi tình huống. Thực hiện nghiêm công tác trực, báo cáo.
( Theo https://daidoanket.vn/hoa-binh-chi-dao-cac-giai-phap-ung-pho-voi-con-bao...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận