Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cải cách hành chính theo tinh thần “5 đẩy mạnh”
Kết luận phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) vào sáng 15-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện “5 đẩy mạnh”, với tinh thần “đã bàn, đã thông thì phải thực hiện”, góp phần khơi thông nguồn lực, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cải cách hành chính góp phần vào thành công chung của cả nước
Phiên họp tập trung đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2024; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính những tháng cuối năm 2024 và giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai các nhiệm vụ thời gian tới.
Theo Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đã có 2.870 văn bản được các bộ, ngành, địa phương ban hành để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành, địa phương đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn đối thoại và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của công chức được tăng cường.
Công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được quan tâm, có nhiều đổi mới. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã tổ chức 5 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; ban hành 83 nghị định, 8 Nghị quyết; trình Quốc hội cho phép áp dụng các Luật: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1-8-2024. Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh. Trong đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, thực thi phương án phân cấp đối với 108 thủ tục hành chính. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 40 thủ tục hành chính nội bộ. Giao thực hiện thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Dương.
Cải cách chế độ công vụ có nhiều chuyển biến tích cực. Cải cách chính sách tiền lương có kết quả khả quan, chính thức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu thực hiện từ ngày 1-7-2024, bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định...
Cải cách tài chính công được triển khai tích cực: Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60% dự toán, tăng 15,7%; đã tích lũy khoảng 700 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để sử dụng cho tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp từ ngày 1-7-2024; các giải pháp chính sách tài khóa, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng 160,5 nghìn tỷ đồng được ban hành. Chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào thực chất...
Tại Phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tham luận, phân tích sâu về những kết quả nổi bật trong xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến; cải cách chế độ công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; cải cách thể chế trong ngành Ngân hàng; cải cách hành chính để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội và những bài học kinh nghiệm…
Các bộ, ngành, địa phương đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính; hoàn thiện thể chế, ưu tiên nguồn lực cho cải cách hành chính. Đồng thời đẩy mạnh số hóa; tích hợp, kết nối, sử dụng chung cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành, các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục phân cấp, phân quyền; đồng bộ hạ tầng, có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các chủ thể thực hiện cải cách hành chính; tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân tham gia tích cực vào quá trình cải cách hành chính…
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nêu một số kết quả nổi bật trong cải cách hành chính trong 6 tháng đầu năm 2024; ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của thành viên Ban Chỉ đạo thời gian qua; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong cải cách hành chính như việc chỉ đạo, điều hành còn thiếu linh hoạt, tình trạng nợ đọng văn bản, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà…, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân là do công tác cải cách hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức; phân công nhiệm vụ chưa rõ việc, rõ trách nhiệm; thiếu công cụ theo dõi, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chỉ đạo; quy trình xây dựng pháp luật phức tạp, thiếu linh hoạt.
Thủ tướng chỉ rõ, hạ tầng số ở một số ngành, lĩnh vực còn yếu, thiếu đồng bộ; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức không đồng đều; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đã phần nào làm giảm hiệu quả thực hiện một số nhiệm vụ cải cách hành chính; một số nơi sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm trong quá trình triển khai…
Đã bàn, đã thông thì phải thực hiện
Nêu các bài học kinh nghiệm trong thực hiện cải cách hành chính, Thủ tướng cho rằng phải triển khai nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm; tăng cường đối thoại, lắng nghe và kịp thời phát hiện, xử lý ngay vấn đề phát sinh; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông…
Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ quán triệt quan điểm thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh rà soát, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trong việc huy động nguồn lực; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập phát sinh để khơi thông, thúc đẩy phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Cùng với đó là đẩy mạnh hành chính công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ, đẩy lùi tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa các hồ sơ, cơ sở dữ liệu, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp khai thác, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh thực hiện không dùng tiền mặt trong chi tiêu tài chính, chống tiêu cực, giảm chi phí tuân thủ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát, xác định rõ những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động cải cách hành chính, đề xuất giải pháp cụ thể để tháo gỡ; ưu tiên giải quyết ngay những vấn đề nóng, cấp bách, bức xúc trong nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo và nhiệm vụ cải cách hành chính đề ra theo kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị; đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy định chi tiết, nhất là đối với các luật đã được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy. Cùng với đó là đẩy mạnh rà soát, đề xuất phương án xử lý đối với các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.
Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Quảng Ninh triển khai thí điểm Mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc UBND cấp tỉnh theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm từ tháng 9-2024 đến cuối 2025 sơ kết, đánh giá lại.
“Các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phân bổ vốn đầu tư công trong tháng 7-2024, để giải ngân cả năm đạt trên 95%, vì đây là một trong những động lực cho tăng trưởng”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tập trung thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 9-2024, bảo đảm ổn định tổ chức để các địa phương tiến hành đại hội đảng bộ các cấp năm 2025; tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải tiến quy trình, thủ tục để giải quyết những “nút thắt” về pháp lý và nguồn lực tạo điều kiện thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; đề xuất khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính.
Theo Thủ tướng, công tác cải cách hành chính là công việc khó, tác động đến nhiều tổ chức, người, ngành, lĩnh vực, song không thể không thực hiện nhằm góp phần khơi thông nguồn lực, giảm chi phí tuân thủ cho người dân doanh nghiệp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương “đã nỗ lực, cố gắng rồi, cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa”; với tinh thần “không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm” mà “đã bàn, đã thông thì phải thực hiện”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”, triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và các năm tiếp theo.
TTXVN
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-pham-minh-chinh-cai-cach...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận