Giảm thiểu rủi ro nhờ nhận diện hàng thật-hàng giả
Trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm... nhưng hiện nay, tất cả sản phẩm hàng hóa đều có nguy cơ bị làm giả, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chân chính và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Để giúp người dân có thêm công cụ nhận biết hàng hóa, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương thường xuyên mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật-hàng giả.
Sáng 3-7, rất đông người tiêu dùng đến 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện thực phẩm thật-giả” để tham quan gian hàng trưng bày hàng hóa thật-giả. Theo đó, hơn 400 sản phẩm thật-giả là các loại lương thực, thực phẩm, đồ uống, thực phẩm chức năng như: Gạo Ông Cua, gạo Ngon Nhất, gạo Séng Cù, đậu tương, bánh cốm Nguyên Ninh, mật ong... đã được trưng bày. Đến đây, khách tham quan không chỉ được các chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn cách nhận diện những dấu hiệu cơ bản của hàng thật-hàng giả mà còn cung cấp những thông tin về các địa chỉ bán sản phẩm uy tín, chính hãng.
Mở phòng trưng bày hàng giả-hàng thật là một trong những giải pháp mới được Tổng cục Quản lý thị trường triển khai từ cuối tháng 11-2021 đến nay nhằm đấu tranh với vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Tới nay, đã có 12 chủ đề hàng hóa được tổ chức, trưng bày với hàng nghìn sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao và được ưa chuộng trên thị trường. Thường xuyên tham quan phòng trưng bày mỗi khi có đợt tổ chức chuyên đề, chị Nguyễn Thu Trang (Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Hàng giả, hàng nhái giờ làm rất công phu, nếu không so sánh trực diện hai sản phẩm giả-thật, không có sự chỉ dẫn của chuyên viên quản lý thị trường thì người tiêu dùng khó có thể nhận ra đâu là hàng hóa kém chất lượng”. Qua mỗi lần tham quan phòng trưng bày, chị Trang đã chú ý hơn khi lựa chọn, sử dụng sản phẩm nhập khẩu, nhất là lưu ý tem nhập khẩu, không mua bán hàng trôi nổi trên mạng xã hội, lựa chọn mua hàng tại các địa chỉ uy tín, chính hãng.
Những sản phẩm là hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng thiết yếu (mì chính, dầu ăn...) hiện là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, có nguy cơ bị làm giả rất nhiều, nhất là từ khi mạng xã hội trở thành kênh bán hàng phổ biến. Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện, chuyển cơ quan công an hàng trăm vụ việc vi phạm liên quan đến hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng với số lượng lớn. Theo ông Phạm Khắc Huy, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt đối với các đối tượng vi phạm, lực lượng quản lý thị trường còn tạo địa chỉ tin cậy, giúp khách tham quan có cơ hội trực tiếp tìm hiểu thông tin về các sản phẩm mà lực lượng chức năng phát hiện, xử lý; giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức, kinh nghiệm trong lựa chọn hàng hóa. Mở cửa phòng trưng bày cũng là dịp tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý hàng giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.
Bài và ảnh: KHÁNH AN
Theo https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/giam-thieu-rui-ro-nho-nhan-dien-ha...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận