Hiệu quả bước đầu từ thí điểm học bạ số

15:11 25/06

Với sự phát triển công nghệ của cuộc cách mạng 4.0, yêu cầu về công nghệ thông tin ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm đẩy nhanh hoạt động này. Trong đó, với ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Giáo viên trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập huấn vận hành, sử dụng phần mềm Học bạ số cấp Tiểu học. (Ảnh: Nguyệt Anh)
Giáo viên trường tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập huấn vận hành,
sử dụng phần mềm Học bạ số cấp Tiểu học. (Ảnh: Nguyệt Anh)\

Điều đó cho thấy, xu hướng chuyển đổi số là yêu cầu, công việc cấp bách, tất yếu trên tất cả lĩnh vực để dần từng bước hướng tới một xã hội số, một nền kinh tế số. Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tập trung chuyển đổi số trong quản lý ngành và trong nhiều lĩnh vực, trong đó có triển khai xây dựng thí điểm học bạ số.

Là một trong số các địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Đến nay, 100% trường tiểu học đã được trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo; 100% hồ sơ học sinh được gắn mã số định danh duy nhất, xuyên suốt trong quá trình học tập, sẵn sàng về dữ liệu để triển khai học bạ số. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác triển khai học bạ số của ngành; phối hợp với đơn vị vận hành cơ sở dữ liệu ngành nâng cấp chức năng ký số trên học bạ điện tử.

Từ thực tế triển khai học bạ điện tử trên phạm vi toàn tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn chia sẻ: Hiện nay, phần lớn cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thành thạo việc nhập thông tin, thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh vào sổ liên lạc điện tử, học bạ số trên phần mềm quản lý giáo dục Việt Nam và sổ liên lạc điện tử. Hằng tháng, giáo viên cập nhật thông tin, gửi nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Phụ huynh có thể truy cập phần mềm để nắm bắt, từ đó phối hợp với nhà trường, giáo viên quản lý, giáo dục các em kịp thời.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn thường xuyên cập nhật thông tin, kiểm tra giám sát, tư vấn hỗ trợ chuyên môn đối với các phòng giáo dục và đào tạo và trường tiểu học trong quá trình triển khai hồ sơ số, trong đó có học bạ số; tổ chức các đợt kiểm tra chuyên đề về công tác quản lý, sử dụng hồ sơ, học bạ số, chuyển đổi số cấp tiểu học hoặc lồng ghép nội dung trong các kỳ kiểm tra định kỳ theo kế hoạch về triển khai nhiệm vụ cấp tiểu học hằng năm.

Hải Phòng là một trong những địa phương thực hiện tốt chuyển đổi số ngành giáo dục, trong đó có thí điểm học bạ số. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết: Các cơ sở giáo dục, giáo viên trên địa bàn thành phố hưởng ứng tích cực việc triển khai học bạ điện tử, giúp giảm áp lực, gánh nặng về ghi chép, quản lý hồ sơ của giáo viên. Các nhà trường đã và đang tích cực tham mưu cho các cấp và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để bổ sung các trang thiết bị, phòng máy, đường truyền,... nhằm đáp ứng yêu cầu cập nhật, khai thác và sử dụng dữ liệu ngành một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng học bạ số đã giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý và tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên.

Để đạt được kết quả đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức những đợt tập huấn triển khai, hướng dẫn cụ thể tới 100% cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường. Điều này giúp cho các đơn vị hiểu rõ, thông suốt về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và những lợi ích của việc triển khai học bạ điện tử và các hồ sơ điện tử khác; đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống đường truyền, hệ thống máy tính bảo đảm các yêu cầu, thông số kỹ thuật để phục vụ các thầy, cô trong quá trình thực hiện.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng học bạ số đã giúp các nhà trường thuận lợi hơn trong quản lý và tiết kiệm được nhiều thời gian cho giáo viên. Dù vậy, một số địa phương gặp khó khăn như cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều thiếu thốn, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, đội ngũ giáo viên hạn chế về kỹ năng sử dụng các phần mềm. Đặc biệt, hồ sơ, học bạ của học sinh mới dừng ở mức độ tin học hóa, chưa thật sự trở thành hồ sơ, học bạ điện tử do thiếu quy định đồng bộ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Vì vậy, việc thống nhất liên thông dữ liệu của địa phương với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên thực hiện chuyển đổi số.

Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết: Hiện nay, về cơ bản các sở giáo dục và đào tạo đã triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số, tổ chức hội nghị triển khai, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ học bạ số xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục. Nhiều địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, ban chỉ đạo thí điểm học bạ số, ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện học bạ số bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý học bạ số cho các địa phương. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về tập tin (file) học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ học bạ số, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu học bạ từ các địa phương.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học được thực hiện trong thời gian ngắn, là công việc hết sức quan trọng, tác động tới nhiều giáo viên, học sinh ở các vùng miền khác nhau. Vì thế, công tác thí điểm cần vừa làm, vừa nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, vừa rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh. Trong quá trình thí điểm, những địa phương nào làm tốt thì cần nhân rộng để làm tốt hơn nữa.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực hiện kiểm tra, giám sát, hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai thực hiện học bạ số. Đối với các sở giáo dục và đào tạo, quá trình thực hiện bám sát kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chủ động, linh hoạt triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Quá trình thí điểm vừa thực hiện tốt tại cấp tiểu học, vừa rút ra bài học kinh nghiệm để tham mưu cho các cấp tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới cho bậc phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo trong quá trình triển khai thí điểm học bạ số cần thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp quản lý; qua thí điểm, cần hoàn thiện mô hình quản lý phù hợp, đúng thẩm quyền; không để có kẽ hở về mặt pháp lý, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong quá trình triển khai thực hiện các dịch vụ có liên quan đến chuyển đổi số trong ngành giáo dục và học bạ số, đặc biệt liên quan đến phần mềm quản lý nhà trường, phần mềm quản lý trung tâm, chữ ký số, đầu tư hạ tầng thiết bị…

 QUỲNH NGUYỄN

Theo https://nhandan.vn/hieu-qua-buoc-dau-tu-thi-diem-hoc-ba-so-post815938.html

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận