Báo chí đang ‘chiều chuộng’ độc giả?
Báo chí đã thay đổi nhanh chóng từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Ở thời điểm này, có ý kiến cho rằng, một số cơ quan báo chí, một số phóng viên có xu hướng chạy theo độc giả đại chúng, chiều chuộng hết cỡ để mong tồn tại. Tức là, sẵn sàng xuất bản những thứ theo “trend” để tăng "view"...
Mỗi khi đài truyền hình tường thuật một trận bóng đá trên sân Mỹ Đình, phóng viên phụ trách quay phim thường “không làm anh em thất vọng” khi thỉnh thoảng lại lia máy bắt trọn hình ảnh một cô gái xinh tươi nào đó trên khán đài.
Những chiêu hút "view"
Xem bóng đá có thể nói là “đặc quyền đặc lợi” của đàn ông, và ngắm phụ nữ đẹp cũng thế. Nhưng chuyện tưởng hết sức bình thường ấy nay lại là chiêu hút view của báo chí và truyền hình.
Nếu không có tin tức gì hay thì ít nhất cũng phải có hình ảnh người đẹp. Những tít tin bài trên báo điện tử, mỗi khi có điều kiện, lập tức gắn sắc đẹp vào: Nữ giáo viên nhan sắc “cực phẩm” gây bão mạng, Cô gái đẹp vào nhà hàng gọi rượu vang, bò Wagyu rồi không chịu trả tiền… Ngay cả đến tin tức chính trị, nếu có nữ, cũng sẽ có cái tít kiểu như “Ngắm nữ thủ tướng Thái Lan xinh đẹp”.
Đó chỉ là một biểu hiện của thời báo chí chạy theo độc giả đại chúng, chiều chuộng hết cỡ để mong tồn tại. Trong thời đại báo giấy đang teo tóp và thoi thóp, nhiều người nói hiện tại và tương lai của báo chí là ở trên mạng. Mà đã là mạng, thì phải có view, hay lượt xem. Nhiều tờ báo quán triệt nguyên tắc “cái gì có view mới làm, đủ view mới tính nhuận bút”. Hằng ngày cần bắt từ khóa, bắt "trend", cứ theo từ khóa tìm kiếm, theo "trend" mà làm.
Bài ngắn, nông, có khi chỉ là dạng “ý kiến” bàn tán dăm ba câu, miễn là phải có “từ khóa đang hot” để lọt vào danh sách của các cỗ máy tìm kiếm. Đang có chuyện ca sĩ A bị cơ quan văn hóa xem xét vì đeo “huy chương lạ” thì ngày hôm nay cần có thêm nhiều tin bài có từ khóa “ca sĩ A” cho đến khi cái “trend” này nhạt đi, lại tìm từ khóa mới, “trend” mới.
Báo chí đã thay đổi nhanh chóng từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Mô hình truyền thống của báo chí là các phóng viên đóng vai trò nguồn độc lập, cố gắng đưa tin tức một cách khách quan, dựa trên thực tế. Mặc dù truyền thống này vẫn còn ở một số kênh tin tức, nhưng khả năng tiếp cận công nghệ ngày càng tăng đã dẫn đến sự gia tăng của các “nhà báo công dân”, những người sẵn sàng có thành kiến hoặc quan điểm trên các mạng xã hội. Một số còn tận dụng những công nghệ này để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền dưới chiêu bài tin tức.
Ngoài ra, Internet đã cho phép tất cả mọi người trở thành tác giả: Bất kỳ ai cũng có thể tạo tài khoản mạng xã hội và bày tỏ các ý kiến cá nhân với thế giới và ý kiến đó có thể lan truyền mà không cần qua bất cứ khâu kiểm tra hoặc biên tập nào.
Tin nhanh, tin chậm
Chính vì lẽ đó, các nhà báo thời đại kỹ thuật số phải hoạt động với vòng quay tin tức chuyển động nhanh hơn. Việc cân bằng giữa đưa tin nhanh và chuyên sâu khó khăn hơn.
Thường thì nhanh lại không đầy đủ và đầy đủ lại không nhanh.
Ở Việt Nam, báo chí trên mạng hiện nay hầu hết đều chọn nhanh thay vì đầy đủ. Công chúng tiếp nhận thông tin không đầy đủ sẽ hình thành các thiên kiến và tạo ra nhiễu loạn.
Có một nghịch lý là công nghệ thông tin phát triển mạnh thì nghề báo đang dần mai một. Ngay cả ở Mỹ, một đất nước có nền báo chí phát triển mạnh hàng đầu thế giới, việc làm trong ngành báo chí trên khắp đất nước đã giảm sút nghiêm trọng.
Tổ chức nghiên cứu độc lập Pew Research nói trong giai đoạn 2008-2019, các tờ báo Mỹ đã phải sa thải một nửa số nhân viên. Những công việc còn lại thường có mức lương thấp. 50% số nhà báo kiếm được ít hơn 40.000 USD một năm, mặc dù họ thường phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần. Đây là mức thu nhập thấp, bởi theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, mức lương trung bình theo năm của người Mỹ là 51.168 USD vào năm 2023.
Tại Việt Nam, dù chưa có thống kê đầy đủ về thu nhập của các tòa soạn, nhưng điều chắc chắn là đang dần bị thu hẹp khi “chiếc bánh” truyền thông, quảng cáo đã bị các mạng xã hội nước ngoài “nuốt” gần hết. Để vớt vát chút “mẩu bánh”, nhiều tờ báo, nhất là những đơn vị hạch toán độc lập, không còn con đường nào khác ngoài việc “câu view” bằng mọi giá, có “view” hay là “chết”.
Chính vì thế quan điểm cho rằng báo chí hiện nay chạy theo nhu cầu của một bộ phận độc giả mà bỏ quên các thiên chức ban đầu gây tranh cãi, với nhiều ý kiến khác nhau, xuất phát từ những giác độ khác nhau.
Một số quan điểm cho rằng báo chí đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thị trường và cạnh tranh, dẫn đến việc tập trung vào những nội dung thu hút nhiều độc giả nhất, bất kể chất lượng hay giá trị thông tin. Với sự xuất hiện của nhiều kênh thông tin mới như mạng xã hội, các trang web tổng hợp tin tức, báo chí phải cạnh tranh gay gắt để thu hút độc giả, một số tờ báo ưu tiên những nội dung giật gân, câu view, thay vì những bài báo chất lượng cao, có giá trị thông tin và giáo dục.
Trong khi đó, nhiều tờ báo phụ thuộc vào doanh thu từ quảng cáo online và cần thu hút lượng lớn độc giả để tăng doanh thu. Việc tập trung vào những nội dung thu hút nhiều người đọc “bình dân”, chấp nhận “lá cải hóa”, có thể giúp họ đạt được mục tiêu này, thông qua các công cụ như Google Adsense.
Tất cả những điều này đi ngược với các chuẩn mực mà nhiều người đã coi là thiên chức của báo chí từ lúc sơ khởi. Đó là các chức năng: Cung cấp thông tin chính xác và khách quan; Giám sát quyền lực; Khuyến khích thảo luận và tranh luận; Giáo dục và giải trí.
Cũng cần lưu ý rằng báo chí không phải là một khối thống nhất. Mỗi tờ báo, mỗi kênh truyền thông có những định hướng, mục tiêu và đối tượng độc giả riêng, mỗi tòa soạn lại có “hoàn cảnh” riêng. Do đó, các tờ báo không thể giữ những quan điểm, góc nhìn giống nhau về việc làm nghề trong thời đại số ngày nay.
Và như thế, việc báo chí cân bằng giữa đáp ứng nhu cầu độc giả đại chúng và giữ vững các thiên chức ban đầu là một thách thức lớn. Nhưng báo chí tập trung vào những nội dung giật gân, câu "view" để thu hút độc giả có thể dẫn đến một số hệ quả.
Thứ nhất là giảm chất lượng thông tin. Việc chạy theo lượng truy cập có thể khiến các cơ quan báo chí ưu tiên đăng tải những thông tin giật gân, câu view chưa được kiểm chứng đầy đủ, dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch và gây hiểu lầm cho công chúng. Nội dung giật gân thường tập trung vào những khía cạnh gây sốc, tiêu cực, thiếu đi sự phân tích và đánh giá chuyên sâu về các vấn đề, khiến người đọc không có được cái nhìn đầy đủ và chính xác về sự việc.
Thứ hai là gây ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận, khuếch đại những thông tin tiêu cực. Việc này khiến dư luận hoang mang, lo lắng và có cái nhìn sai lệch, dẫn đến chia rẽ, tạo ra mâu thuẫn trong xã hội.
Thứ ba là gây tổn hại đến uy tín của báo chí. Khi công chúng liên tục tiếp xúc với những thông tin thiếu chính xác, thiếu khách quan, họ sẽ dần mất đi lòng tin vào báo chí và tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác.
( Theo https://daidoanket.vn/bao-chi-dang-chieu-chuong-doc-gia-10283900.html)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận