Bảo lưu thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp: Nguyện vọng của nhiều người lao động
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu người lao động (NLĐ) đóng đủ 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà không được hưởng trợ cấp thất nghiệp với những tháng đóng nhiều hơn sẽ khiến NLĐ có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức.
Quy định gây khó cho người lao động
Cụ thể tại khoản 3 điều 103 của dự án Luật Việc làm (sửa đổi) quy định 4 trường hợp mà thời gian đóng BHTN không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.Trong đó, trường hợp NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 144 tháng. Tức là, NLĐ có thời gian đóng BHTN trên 12 năm nếu bị mất việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp 12 tháng, thời gian đóng BHTN vượt trên 12 năm sẽ không được bảo lưu mà tính lại từ đầu.
Thực tế, việc không bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với trường hợp đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng là quy định đang được thực hiện theo quy định của luật Việc làm năm 2013. Tuy nhiên, do Luật Việc làm năm 2013 không nêu rõ quy định này dẫn đến nhiều lao động hiểu lầm. Nay dự án Luật Việc làm (sửa đổi) bổ sung, nêu rõ quy định này tại khoản 3 điều 103.
Đánh giá tác động của quy định này, tại hội nghị lấy ý kiến cho dự án luật Việc làm (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, bà Phạm Thị Hồng Yến - Chủ tịch Công đoàn TNHH Intel Products Việt Nam cho rằng, quy định này gây nhiều thiệt thòi cho NLĐ.
Góp ý vào nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị Bộ LĐTBXH nghiên cứu, đánh giá kỹ vì quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến người lao động. Theo đó, nếu không được bảo lưu thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm tham gia BHTN, NLĐ dễ nghỉ việc để hưởng 12 tháng trợ cấp để đỡ thiệt thòi và có thể sẽ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần.
Điều này gây ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng, làm tuột mất những người lao động làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp. Quy định này cũng khiến người lao động không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, theo quy định tại Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì trợ cấp thất nghiệp là một trong những thiết chế an sinh xã hội, nên việc xây dựng chính sách BHTN gắn với trợ cấp thất nghiệp để vừa phát huy vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động vừa là chính sách an sinh xã hội là cần thiết.
Mong được bảo lưu thời gian đóng BHTN
Trước đó, cuối năm 2023, BHXH Việt Nam từng có công văn gửi Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) xin ý kiến về giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu thời gian đóng BHTN với trường hợp có thời gian đóng trên 144 tháng (12 năm).
BHXH Việt Nam cho biết, thực tế việc giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp và bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với trường hợp có thời gian đóng trên 144 tháng không thống nhất trên toàn quốc. Điều này dẫn đến khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên hệ thống phần mềm nghiệp vụ liên thông toàn quốc đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nguyện vọng của NLĐ là được bảo lưu thời gian đóng BHTN. Theo chia sẻ của anh Đào Văn Hiếu (Hà Nội), hiện anh đang làm việc cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đông Anh, Hà Nội. Với mức lương hàng tháng có đóng BHXH là 12 triệu đồng. Anh Hiếu tính toán, nếu bây giờ anh xin nghỉ trợ cấp thất nghiệp thì số tiền thu về cũng được gần 200 triệu đồng. Do đó, nếu không được bảo lưu thời gian đóng BHTN, anh Hiếu sẵn sàng xin nghỉ để hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi sau đó sẽ đi tìm việc khác hoặc rút về làm kinh doanh nhỏ kiếm sống.
Giới chuyên gia trong ngành nhận định, nếu không được bảo lưu thời gian đã hưởng trợ cấp thất nghiệp sau 12 năm tham gia BHTN, NLĐ như anh Hiếu rất dễ nghỉ việc nhằm được hưởng 12 tháng trợ cấp để đỡ thiệt thòi. Việc này khiến người nhiều lao động khó quay lại hệ thống an sinh xã hội, hoặc sẽ lựa chọn rút BHXH 1 lần.
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng thực tế có những NLĐ có thời gian tham gia BHXH, BHTN đủ để hưởng lương hưu, nhưng chưa đủ tuổi, do đặc thù ngành nghề hoặc nguyện vọng làm việc họ phải nghỉ việc chờ hưởng lương hưu. Trong thời gian đó, việc NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với thời gian đóng là hợp lý, đảm bảo thu nhập cho NLĐ không có việc làm trong thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu.
( Theo https://daidoanket.vn/bao-luu-thoi-gian-dong-bao-hiem-that-nghiep-nguyen...)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận