Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực
Ngày 5-6, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng các thành viên Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân; hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản, phát triển du lịch...
Dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề của công nghệ
Làm rõ một số vấn đề liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng như giải quyết các mặt trái của thương mại điện tử, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, thương mại điện tử sinh ra từ công nghệ số, cần coi công nghệ số như là lực lượng quản lý cơ bản trên không gian mạng và dùng công nghệ để quản lý công nghệ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thương mại điện tử thời gian qua phát triển nhanh, dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ và xử lý ngày càng nhiều, đi kèm với nó là nguy cơ lộ lọt thông tin, ảnh hưởng đến thương mại điện tử và các lĩnh vực khác. Chính phủ đã ban hành nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, theo đó quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với ngành, lĩnh vực quản lý của mình. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Chia sẻ về vấn đề hỗ trợ, bảo vệ người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhiều giải pháp đã và đang được thực hiện như hoàn thiện quy định về người tiêu dùng để bảo đảm đầy đủ các quyền, trong đó có quyền lựa chọn sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quyền kinh doanh theo nhu cầu, điều kiện thực tế, quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch, có nghĩa vụ kiểm tra sản phẩm, hàng hóa trước khi giao, nhận, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Quyền và nghĩa vụ người tiêu dùng được quy định rất rõ, nếu thực hiện tốt thì sẽ tự mình bảo vệ mình.
Cùng với đó là tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin cho người tiêu dùng, tập trung chủ yếu vào đối tượng học sinh, sinh viên, người lao động và những người thuộc nhóm yếu thế được tập huấn để nâng cao nhận thức, trở thành những người tiêu dùng thông thái trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng đề án, chương trình hỗ trợ người tiêu dùng, như tổng đài tư vấn người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tiếp nhận và xử lý vấn đề người tiêu dùng; phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, xử lý khi vi phạm. Cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ người tiêu dùng nhận diện nguy cơ, phòng tránh từ xa, giảm thiểu rủi ro và ngày càng thông thái trên môi trường thương mại điện tử.
Sớm sửa đổi quy định về thuốc lá điện tử
Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập là quy định về quản lý thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá thế hệ mới để tránh tác động xấu đến sức khỏe nhân dân. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ tạm dừng thông qua nghị định về quản lý thuốc lá thế hệ mới cho đến khi Bộ Y tế đánh giá chính thức về tác hại của sản phẩm này.
Nếu Bộ Y tế khẳng định sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có hại cho sức khỏe tới mức phải cấm thì Bộ Công Thương ủng hộ việc cần sớm sửa đổi quy định pháp luật liên quan để các loại sản phẩm này không được lưu hành ở Việt Nam.
Đến nay, Bộ Công Thương chưa cấp phép kinh doanh cho bất kể một đại lý hay website nào về sản phẩm này. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, kiểm soát và xử lý rất nhiều vụ, có những vụ việc đã chuyển sang cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Phát biểu làm rõ một số nội dung, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chia sẻ các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra về an toàn, an ninh của dữ liệu cá nhân, quản lý các nền tảng mạng xã hội... Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Phó thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó giúp các doanh nghiệp nắm bắt được sự thay đổi và đáp ứng kịp thời liên quan đến các chính sách của thị trường thương mại các nước.
Đồng thời, chúng ta cần có hàng rào thương mại kỹ thuật để bảo vệ được hàng hóa sản xuất trong nước, doanh nghiệp trong nước và có những hỗ trợ từ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đến đầu tư tài chính. Đối với thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Phó thủ tướng cho rằng, cần đưa ra tiêu chí chặt chẽ hơn đối với FDI, phải đi vào các lĩnh vực công nghệ mới nổi và cam kết nghiên cứu, dần dần chuyển giao công nghệ này để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia công nghiệp phụ trợ trong các hệ sinh thái, các lĩnh vực đầu tư như trung tâm năng lượng tái tạo, đường sắt cao tốc, công nghệ cao...
Rà soát quy trình kiểm toán để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Chất vấn về lĩnh vực kiểm toán, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là trong nội bộ cơ quan thanh tra, kiểm toán. Đại biểu Tao Văn Giót (đoàn Lai Châu) đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết việc triển khai công tác này trong nội bộ ngành Kiểm toán Nhà nước.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Luật Kiểm toán nhà nước đã quy định rất rõ những hành vi không được làm trong quá trình kiểm toán, cấm tuyệt đối việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Để thực hiện tốt việc này, Kiểm toán Nhà nước đã chú trọng giáo dục tư tưởng, kịp thời phổ biến, quán triệt các chỉ đạo của Đảng và văn bản mới của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời thể chế hóa, rà soát, sửa đổi toàn bộ quy trình kiểm toán để siết chặt việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, xác định, đề cao vai trò người đứng đầu, tổ trưởng tổ kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán. Đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò của cơ quan thanh tra Kiểm toán Nhà nước để chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm soát chất lượng. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi có hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nhìn nhận, có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành kiểm toán nhưng rất ít, đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Kiểm toán Nhà nước kiên quyết loại bỏ những “con sâu” này để giữ được đạo đức, chuẩn mực.
Liên quan đến việc tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần làm tốt 3 việc. Đó là xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng; thiết chế phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng và chế độ đãi ngộ hợp lý để không cần, không muốn tham nhũng.
Về việc hạn chế tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức. Đặc biệt, hoàn thiện thể chế để quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức, ở từng vị trí phải làm gì và không được làm gì, rõ trách nhiệm gắn với quyền lợi, đi đôi với kiểm tra, giám sát để lượng hóa được công tác đánh giá cán bộ, thuận lợi cho việc sử dụng cán bộ.
Nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi liên quan đến việc kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chậm được thực hiện. Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) nêu vấn đề về trách nhiệm và giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nhìn nhận, số lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện còn lớn, trong đó đáng lưu ý có nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và đề nghị có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết nguyên nhân của tình trạng kiến nghị kiểm toán chậm được thực hiện có 4 nhóm nguyên nhân. Trong đó, có nguyên nhân từ đối tượng, đơn vị được kiểm toán; liên quan đến bên thứ ba; liên quan đến kiểm toán và nguyên nhân khác. Trong 4 nhóm nguyên nhân này, về phía kiểm toán, trước hết do kiến nghị của kiểm toán chưa tâm phục khẩu phục, đơn vị được kiểm toán đang khiếu nại theo quy định. Có những kết luận, kiến nghị của kiểm toán đúng nhưng không thực hiện được hoặc do đơn vị chưa thực hiện.
Về kết luận, kiến nghị của kiểm toán chưa chính xác, chưa tâm phục khẩu phục, giải pháp quan trọng nhất là nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Để thực hiện việc này, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, nâng cao năng lực, trình độ của kiểm toán viên, tăng cường kiểm tra, giám sát, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu các đoàn kiểm toán để đưa ra kiến nghị chính xác.
Bên cạnh đó, có những kiến nghị của kiểm toán không thực hiện được vì đơn vị phải thực hiện đã giải thể, phá sản hoặc cá nhân liên quan đã về hưu, chết, mất tích. Những trường hợp này, pháp luật đã có quy định về thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước như thuế, phí, nhưng quy định về thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa có, do vậy vẫn phải theo dõi. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, đây cũng là tồn tại của Luật Kiểm toán Nhà nước, hiện đang tiến hành tổng kết, rà soát và sẽ báo cáo Quốc hội để sửa đổi.
Bảo tồn, phát huy di sản gắn với phát triển du lịch
Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc chăm lo cho vận động viên thể thao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, các chính sách về đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, chính sách về tiền thưởng trong thi đấu đã được triển khai và đến nay đã được áp dụng trong toàn quốc. Qua đó, đã góp phần động viên, khích lệ đội ngũ thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi.
Tuy nhiên, vấn đề giải quyết việc làm cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Không phải vận động viên nào cũng chuyển sang làm công tác huấn luyện sau thời gian thi đấu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung đánh giá tổng thể về tác động của hệ thống chính sách, sau đó đề xuất Chính phủ ban hành những chính sách mới theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên để có thể tập trung, yên tâm thi đấu và được phát triển ngành, nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình.
Liên quan đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cùng với bảo tồn, phát huy cần biến giá trị di sản thành tài sản nhưng không có nghĩa là làm bằng mọi giá. Khi di sản được công nhận, chính quyền địa phương, nơi được giao trách nhiệm quản lý di tích, di sản phải có chương trình hành động đi kèm để bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Do vậy, cần tôn trọng cam kết về phương án bảo tồn di tích, di sản sau khi được công nhận, không được làm xấu hình ảnh của di tích, di sản đó. Đồng thời, khi được công nhận, tôn vinh, cần biết khai thác di sản một cách hợp lý với các sản phẩm có tính văn hóa, gắn liền với di tích, di sản đó và dựa vào các sản phẩm này để thu hút, phát triển du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ với các đại biểu về những giải pháp để đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam, thu hút du khách cả trong nước và quốc tế, mở rộng sản phẩm du lịch đêm. Việt Nam đã có hướng đi đúng, phù hợp trong việc đẩy mạnh du lịch biển, đảo, du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng... Bên cạnh đó, trước ý kiến cho rằng sản phẩm du lịch nước ta mang hơi hướng của quốc gia khác, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, không nên quá khắt khe mà nên hiểu như giao lưu về văn hóa chứ không phải chúng ta bắt chước, làm theo. Những gì là tiến bộ, tiên tiến, tinh hoa của văn hóa nhân loại, chúng ta có quyền được tiếp thu, bổ sung, làm giàu cho văn hóa Việt Nam.
MẠNH HƯNG
Theo https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/tang-cuong-ky-luat-ky-cuong-dau-tr...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận