Xây dựng khu công nghiệp xanh từ chỉ dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thay thế tường rào bê tông bằng hệ thực vật đa tầng có tác dụng chắn khói bụi ô nhiễm; áp dụng các giải pháp công nghệ xanh, sử dụng năng lượng xanh; xây dựng thành công các chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, khu công nghiệp (KCN) sinh thái Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng đã trở thành một trong những "thỏi nam châm" hút dòng vốn đầu tư tại Hải Phòng. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với doanh nhân cựu chiến binh, Tiến sĩ, luật sư Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần (CTCP) Shinec, chủ đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Là người tiên phong xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, đồng chí có thể cho biết, ý tưởng xây dựng mô hình KCN sinh thái này xuất phát từ đâu?
Doanh nhân, Tiến sĩ, luật sư Phạm Hồng Điệp: Điều này cũng thật bất ngờ và có thể nói là duyên kỳ ngộ. Bởi sau 3 lần đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo về môi trường bền vững do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, tháng 1-2008, tôi bất ngờ nhận được thư khen của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng động viên tôi phải phát huy triệt để những đề tài thực tiễn đó, góp phần vừa xây dựng kinh tế vừa bảo vệ môi trường. Sau này gặp Đại tướng tại nhà riêng ở Hà Nội, Đại tướng đề cập đến việc xây dựng kinh tế Việt Nam sau giải phóng gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Và Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2010, Đại tướng đã tặng tôi cây đa được đánh từ vườn nhà Đại tướng cùng lá thư căn dặn tôi phải “Luôn nhớ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường”. Từ đó, tôi càng quyết tâm xây dựng KCN sinh thái tại Nam Cầu Kiền để hiện thực hóa “ước mơ xanh” với KCN sinh thái Nam Cầu Kiền. Ý tưởng xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền là tôi theo đúng chỉ dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
PV: Khi đó, điều kiện xây dựng KCN sinh thái Nam Cầu Kiền chắc hẳn gặp không ít khó khăn, vướng mắc với đồng chí?
Doanh nhân, Tiến sĩ, luật sư Phạm Hồng Điệp: Đúng vậy, 16 năm trước (2008) văn bản pháp luật của Nhà nước về xây dựng KCN sinh thái (KCN xanh) chưa đầy đủ, đúng hơn hầu như là chưa có. Ngay nhà đầu tư cũng chưa hình dung ra nó như thế nào nên chưa có sự chia sẻ, đồng cảm với chủ đầu tư. Kinh phí xây dựng cũng cao hơn so với KCN thông thường. Đặc biệt, tổng quỹ đất dành cho cảnh quan và cây xanh tăng hơn các KCN khác, chiếm tới 30% tổng quỹ đất trong KCN. Nhiều lúc bi quan, tôi cùng cộng sự tưởng sẽ không vượt qua nổi. Nhưng cứ nghĩ đến lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chúng tôi lại động viên nhau cùng tìm giải pháp, quyết tâm, cố gắng. Bởi xu thế phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là yêu cầu tất yếu của phát triển tương lai. Như thế mới khắc phục được những hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống xưa nay, giảm khai thác nguyên vật liệu, lại kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và các tác động tiêu cực tới môi trường. Đó cũng là yếu tố nâng cao nhận thức, hành động của các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, đem lại nguồn lợi mới cho họ, nguồn lực cho đất nước, sinh kế cho người lao động.
PV: Vậy KCN sinh thái Nam Cầu Kiền có khác gì so với các KCN đang triển khai hiện nay?
Doanh nhân, Tiến sĩ, luật sư Phạm Hồng Điệp: Khác chứ. Trước tiên là về tiêu chí quy hoạch, kiểm soát chất thải gây ô nhiễm. Tiếp đến là hệ thống cảnh quan cây xanh. Các doanh nghiệp trong khu cùng cộng sinh với nhau trong hệ sinh thái tuần hoàn khép kín. Cụ thể, tại Nam Cầu Kiền có 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, gồm: Ngành luyện kim-cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện-điện tử.
Ví dụ, trước đây sản xuất thép thành phẩm, xỉ thép phải mang xử lý, đơn vị sản xuất phải trả 5 triệu đồng/tấn xỉ thép cho đơn vị xử lý kia thì nay bán thu về được 5 triệu đồng. Đơn vị thu mua xỉ thép mang xử lý ở nhiệt độ cao, phân tách ra các loại nguyên liệu khác để bán cho các nhà máy dùng sản xuất nam châm, chất phụ gia sản xuất xi măng thu được rất nhiều lợi nhuận. Bụi thép cũng vậy, khi phân tách ở nhiệt độ cao hơn 2.000 độ C, người ta dùng các túi tĩnh điện gắn trong các ống khói nhà máy hút lại các vi lượng thép đó trong quá trình bốc hơi; rồi dùng công nghệ điện phân để tách các vi lượng thép đó thành kẽm, oxid đồng bán cho các nhà máy công nghiệp thực phẩm.
Nguồn nước thải cũng vậy, khi thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN rồi tái tạo lại thành nước sinh hoạt; nuôi các loài thủy sản, thủy sinh; dùng tưới cây, rửa các trang thiết bị, dụng cụ trong các nhà máy KCN; rửa đường, làm mát lò hơi, phòng cháy, chữa cháy. Chúng tôi đang hợp tác với một doanh nghiệp Hà Lan chuyên cung cấp các công nghệ lọc nước tiên tiến nhất hiện nay để lọc nước thải bằng công nghệ Nano, tái sử dụng cho mục đích công nghiệp.
Với quy trình khép kín và sản xuất tuần hoàn này, tất cả những thứ bỏ đi trước đây giờ đều có giá trị, đều là nguyên liệu quan trọng, tăng thêm doanh thu cho doanh nghiệp. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã coi KCN sinh thái Nam Cầu Kiền là môi trường lý tưởng để đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Trong KCN sinh thái Nam Cầu Kiền còn có yếu tố rất đặc biệt, đó là văn hóa, di sản gồm: Cây đa 37 gốc (tượng trưng năm 37 tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phong cấp hàm), Sa hình Điện Biên Phủ, đình Tân Trào bằng cây xanh, tượng Bác Hồ, tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại đoàn 308, vườn lan, bia đá, khu nhà trưng bày lưu niệm kỷ vật về Đại tướng... là những công trình mang giá trị di sản, lịch sử đã được xây dựng. Nhờ đó, KCN Nam Cầu Kiền là một trong 19 điểm đáp ứng điều kiện để đón học sinh đến du lịch, giáo dục, học tập trải nghiệm của TP Hải Phòng, đem lại sự truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Với những thành quả đạt được và chứng minh qua thực tiễn, “Nghiên cứu kiến tạo Nam Cầu Kiền thành KCN sinh thái với mô hình kinh tế tuần hoàn” đã được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2023.
PV: Vậy tỷ lệ lấp đầy KCN sinh thái Nam Cầu Kiền hiện nay như thế nào; giá thuê cao có là trở ngại với các doanh nghiệp đến đầu tư?
Doanh nhân, Tiến sĩ, luật sư Phạm Hồng Điệp: Với những lợi thế của một KCN sinh thái, Nam Cầu Kiền đã được lấp đầy trên 80%, dù giá thuê đất ở đây cao gấp 1,3 lần so với các KCN khác. Tại KCN sinh thái Nam Cầu Kiền, chúng tôi luôn đạt tiêu chí “3 không” (không nợ thuế, nợ bảo hiểm, lương công nhân), đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi cũng đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ “zero” về rác thải, năm 2030 sẽ trung hòa được phát thải carbon. Tiếp tục xây dựng các chuỗi KCN và cụm công nghiệp sinh thái, phát triển bền vững trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
MINH SƠN (thực hiện)
Theo https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xay-dung-khu-cong-nghiep-xanh-tu-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận