Quân sự thế giới hôm nay (7-2): Trạm radar của Nga ở Biển Đen bị tấn công, Ấn Độ tiếp tục thử tên lửa BrahMos
Quân sự thế giới hôm nay (7-2-2024) có những thông tin chính sau: BAE Systems cung cấp hệ thống cảnh báo tên lửa tiên tiến cho các đồng minh của Mỹ; trạm radar của Nga ở Biển Đen bị tấn công; Hải quân Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos tầm bắn mở rộng.
* BAE Systems cung cấp hệ thống cảnh báo tên lửa tiên tiến cho các đồng minh của Mỹ
Theo PR Newswire, BAE Systems đã nhận được hợp đồng trị giá 114 triệu USD với Lục quân Mỹ cung cấp Hệ thống cảnh báo tên lửa AN/AAR-57 (CMWS).
CMWS là hệ thống gia tăng khả năng sống sót cho máy bay đã được chứng minh hiệu quả trong thực chiến. Hệ thống này có thể được trang bị cho máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định, với chức năng cảnh báo tên lửa, cảnh báo hỏa lực đối phương và kiểm soát các biện pháp đối phó. Hệ thống CMWS hiện đại cho phép người dùng phát hiện sớm các mối đe dọa và đưa ra các biện pháp đối phó nhằm bảo vệ máy bay tác chiến trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt.
Theo Phó giám đốc về các giải pháp tích hợp tăng cường khả năng sống sót của BAE Systems Jennifer Bartley, “Chiến trường hiện đại ngày càng khốc liệt và các lực lượng trên không trên khắp thế giới phải có khả năng phát hiện và đánh bại các mối đe dọa hiện đại. Khi tàng hình không phải là một lựa chọn, thì CMWS sẽ cung cấp một lá chắn giúp tăng khả năng sống sót cho máy bay khi thực thi nhiệm vụ”.
CMWS là hệ thống chuẩn, cảnh báo tên lửa và phát hiện hỏa lực đối phương dành cho máy bay của Lục quân Mỹ. Hệ thống đã có hàng triệu giờ bay thực chiến và cũng đã được sử dụng trong bảo vệ máy bay tham gia cứu hộ cứu nạn trong môi trường có nhiều nguy cơ và đe dọa.
Với các hợp đồng bán vũ khí ra nước ngoài này, sẽ có thêm các đồng minh của Mỹ tiếp cận được hệ thống CMWS và sử dụng hệ thống này để tăng cường an toàn các đội bay hiện có, bao gồm trực thăng AH-64 Apache, trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook và trực thăng UH-60 Black Hawk.
* Hải quân Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa BrahMos tầm bắn mở rộng lên tới 900km
Theo Military Leak, Hải quân Ấn Độ đã bắn thử thành công tên lửa BrahMos nhằm vào một mục tiêu trên đất liền ở khoảng cách lên tới 900km. Cuộc thử nghiệm được thực hiện từ tàu khu trục lớp Rajput. Từ những bức ảnh do Bộ Quốc phòng Ấn Độ công bố thì có thể đây là tàu khu trục INS Ranvir hoặc INS Ranvijay.
BrahMos là loại tên lửa tấn công được Hải quân Ấn Độ ưa chuộng và quân đội nước này đã thử nghiệm nhiều phiên bản khác nhau của tên lửa hành trình siêu thanh này. Đáng chú ý, cuộc thử nghiệm mới đây nhất diễn ra vào cuối tháng 1 đã chứng tỏ khả năng tấn công chính xác ở phạm vi mở rộng từ các tàu chiến đang làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ tác chiến khác trên biển.
Trước khi thử nghiệm, Hải quân Ấn Độ đã thông báo một khu vực cấm bay có chiều dài lên tới 900km để phục vụ. Đây là khu vực cảnh báo cấm bay có chiều dài lớn nhất mà Hải quân Ấn Độ thông báo từ trước đến nay khi thực hiện một vụ thử tên lửa BrahMos. Military Leak nhận định, điều này khẳng định khả năng của tên lửa BrahMos đạt tầm bắn tối đa lên tới 900km.
BrahMos, còn được gọi là PJ-10, là tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung có thể phóng từ tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, máy bay chiến đấu hoặc xe kéo cơ động. Sản xuất bởi liên doanh giữa Cơ quan Nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ và NPO Mashinostroyeniya của Nga, tên lửa BrahMos được phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống hạm P-800 Oniks và đặt theo tên Brahmaputra của Ấn Độ và Moskva của Nga.
BrahMos có các phiên bản phóng từ mặt đất và tàu chiến đã được đưa vào sử dụng. Một biến thể phóng từ trên không, tương thích với Su-30MKI, cũng được đưa vào sử dụng vào năm 2019. Mục tiêu cuối cùng của Ấn Độ là nâng cấp tất cả các tên lửa BrahMos lên tầm bắn 1.500km. Điều đáng chú ý ở BrahMos là tên lửa này đang dần trở nên đậm chất Ấn Độ hơn, với tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 13% năm 2004 lên hơn 75% vào năm 2023.
* Trạm radar của Nga ở Biển Đen bị tấn công
Một trạm radar và khí tài hỗ trợ hoạt động tác chiến bằng máy bay không người lái tự sát của Nga ở khu vực Biển Đen đã bị tấn công. Thông báo được Ukrainska Pravda đưa ra ngày 6-2 cho biết, “Trung tâm Hải quân số 73 của Lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine đã thực hiện một hoạt động tác chiến phức tạp nhưng hiệu quả ở Biển Đen, gần bờ biển Crimea”.
Theo đó, thiết bị được lực lượng Nga sử dụng nhằm tăng tầm hoạt động của UAV Mohajer-6 với mục đích trinh sát và tấn công các mục tiêu như các cơ sở hạ tầng quan trọng ở miền nam Ukraine cùng một trạm radar có nhiệm vụ theo dõi tình hình ở khu vực phía Tây Bắc Biển Đen đã bị tấn công và phá hủy.
Theo chi tiết mô tả của Lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine, lực lượng này đã điều tàu của Trung tâm Hải quân số 73 tiếp cận thiết bị và trạm radar của Nga, đặt và kích nổ thủy lôi sau khi đã di chuyển ra khỏi khu vực ảnh hưởng, phá hủy hoàn toàn cấu trúc ăng-ten của hệ thống radar và thiết bị hỗ trợ UAV.
HỮU DƯƠNG (tổng hợp)
Theo https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/quan-su-the-gioi-hom-nay-7-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận