Không chấp nhận chênh lệch giá vàng quá lớn giữa trong nước và quốc tế
Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng liên tục “nhảy múa”. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC vọt lên mức kỷ lục hơn 80 triệu đồng.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: H.H.
Những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm với biên độ vài triệu đồng mỗi ngày, thậm chí trong vài giờ và chênh lệch so với thế giới vọt lên 20 triệu đồng, thể hiện mức độ biến động cao. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, giá vàng thế giới tăng một mà trong nước tăng ba là không chấp nhận được.
Trong tháng 1, có báo cáo tổng kết về thị trường vàng
Việc sửa Nghị định 24 về hoạt động kinh doanh vàng là cần thiết; năm 2024 đưa khoảng 2 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế...., là hai trong nhiều nội dung được đưa ra trong cuộc họp báo của NHNN thông tin về triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 diễn ra vào sáng 3/1. Ông Đào Xuân Tuấn - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.
Theo ông Tuấn, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về hoạt động kinh doanh vàng được ban hành năm 2012 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thường song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.
“Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp” - ông Tuấn khẳng định và cho biết thêm, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ định hướng, phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.
Trong khi đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi.
Liên quan đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, ông Tú cho hay, dù nhiều loại vàng hay không thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng rất nhỏ, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
“Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới NHNN sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Năm 2024, tín dụng toàn ngành phấn đấu tăng 15%
Cũng tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc NHNN cho biết, tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt khoảng 13,5%. Mức tăng trưởng tín dụng này vẫn chưa đạt định hướng 14-15% mà NHNN đặt ra từ đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh cầu tín dụng thấp của cả năm 2023, đây vẫn là mức tăng trưởng khả quan.
Mức tăng trưởng tín dụng kể trên cũng đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khoảng 5% (thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng cao trên thế giới). Đồng thời, hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về phương hướng, nhiệm vụ hoạt động ngân hàng năm 2024, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%. Phó thống đốc cho biết, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng ở mức 15% ngay từ đầu năm.
Với mức tăng trưởng tín dụng này, tương đương sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được cung ứng ra nền kinh tế qua kênh cho vay của hệ thống ngân hàng. Đây là mức tăng trưởng định hướng và sẽ có điều chỉnh theo tình hình thực tế thị trường. Nếu cầu tín dụng tốt, nhu cầu vốn nền kinh tế cao, mức tăng trưởng tín dụng có thể là 16%.
NHNN cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng cho rằng để hấp thụ vốn trong năm 2024, yếu tố chủ quan là ngân hàng và DN, còn khách quan là môi trường đầu tư. Nghĩa là nền kinh tế sôi động thì tín dụng mới tăng.
Đồng thời, DN muốn cấp tín dụng phải tự nâng cao năng lực, ngân hàng phải có cơ chế cởi mở, giảm bớt thủ tục và mạnh dạn cho vay. Ông Tú cũng cho biết NHNN vừa ban hành thông tư giảm hệ số rủi ro tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn
Theo: https://daidoanket.vn/khong-chap-nhan-chenh-lech-gia-vang-qua-lon-giua-t...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận