Loạn tên gọi cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam: "Ma trận" đánh đố khán giả?
Nhiều cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam xảy ra tình trạng tranh chấp bản quyền tên gọi, trùng lặp danh xưng gây hoang mang cho khán giả.
Tranh chấp, trùng lặp tên gọi cuộc thi
Cùng với việc bùng nổ các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam, thời gian qua khán giả còn liên tục chứng kiến những tranh chấp vì trùng lặp tên gọi giữa các đấu trường nhan sắc này.
Mới đây nhất vào ngày 8/8, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thông báo khởi động mùa mới. Điều đáng nói, cuộc thi cũng thông báo tên gọi quốc tế mới là Miss Cosmo Vietnam thay vì Miss Universe Vietnam như trước đây.
Trong khi đó, bản quyền Miss Universe tại Việt Nam đã được sang nhượng cho công ty do bà Nguyễn Thị Thúy Nga đứng đầu, siêu mẫu Lan Khuê là CEO. Miss Universe Vietnam 2023 cũng đang rục rịch chuẩn bị công bố dàn thí sinh tham gia gồm Nam Em, Hương Ly, Anh Thư...
Như vậy, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (tên tiếng Anh là Miss Cosmo Vietnam) và Miss Universe Vietnam bỗng trở thành 2 cuộc thi với 2 danh xưng khác nhau, trong khi trước nay, khán giả vốn đã quen với việc Miss Universe Vietnam chính là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam.
Sở dĩ có việc này là do vấn đề bản quyền cuộc thi giữa các công ty. Hồi tháng 2, công ty JKN (Thái Lan) cho rằng họ là chủ sở hữu hợp pháp danh hiệu Miss Universe Vietnam - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam và công ty Unicorp (Việt Nam) không có quyền sử dụng tên gọi này.
Trong khi đó, Unicorp khẳng định Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam là cuộc thi độc lập được cấp phép 15 năm qua. Tên gọi này không thuộc phạm vi bảo hộ và sở hữu của tổ chức JKN.
Sau vụ tranh chấp, việc cả 2 cuộc thi - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 và Miss Universe Vietnam 2023 - cùng tổ chức một thời điểm khiến không ít khán giả hoang mang, nhầm lẫn.
Trước đây, nhiều cuộc thi hoa hậu khác cũng từng gặp tình trạng tương tự. Năm 2022, cuộc tranh giành tên gọi tiếng Việt "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam" giữa công ty Sen Vàng và công ty Minh Khang từng gây tranh cãi lớn.
Ban đầu, Minh Khang tổ chức Miss Peace Vietnam 2022 kèm tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Sau đó, vì tranh chấp tên gọi với Miss Grand Vietnam (cũng được gọi tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) nên cuộc thi chỉ dùng tên tiếng Anh.
Hiện Miss Grand Vietnam 2023 đã khởi động mùa mới. Đối với vấn đề tranh chấp bản quyền tên gọi với công ty Minh Khang, phía công ty Sen Vàng cho rằng Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM đã cấp phép tổ chức cuộc thi năm 2022 và 2023 theo đúng quy định của nghị định 144 ban hành.
Mặc dù vậy, hồi tháng 3, phía Minh Khang lại công bố kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, khẳng định không có căn cứ Minh Khang sử dụng tên chương trình Hoa hậu Hòa bình Việt Nam là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu Miss Grand International - cuộc thi "mẹ" của Miss Grand Vietnam do Sen Vàng tổ chức.
Nhiều khán giả nói vui rằng họ như rơi vào tình trạng "rối não" trước tên gọi tiếng Anh, tiếng Việt lẫn lộn của các cuộc thi hoa hậu hiện nay. Đó là chưa kể những tên gọi "na ná" nhau giữa các cuộc thi.
Thí dụ, với cụm từ "du lịch", một loạt cuộc thi được cấp phép như: Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa khôi Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Đà Nẵng…
Hay như cụm từ "đại dương", "biển" cũng xuất hiện trong hàng loạt cuộc thi như: Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Hoa hậu Biển Việt Nam, Hoa hậu Biển Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Biển môi trường…
Bùng nổ hoa hậu, tấm vé "xuất ngoại" dành cho ai?
Không chỉ là câu chuyện trùng lặp tên gọi, các sân chơi nhan sắc ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại tình trạng "giẫm chân", "chồng chéo" khi cử đại diện thi quốc tế.
Đối với cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam do Unicorp tổ chức, sau vụ tranh chấp tên gọi, Á hậu Lê Thảo Nhi gây tiếc nuối vì mất suất đại diện Việt Nam dự thi Miss Universe 2023 tại El Salvador trong thời gian tới.
Trong khi đó, quyền cử đại diện thi Miss Universe sẽ do đơn vị mới của Miss Universe Vietnam 2023 nắm giữ. Điều này khiến người hâm mộ đặt câu hỏi, vậy thí sinh đoạt ngôi vị cao nhất của Hoa hậu Hoàn vũ 2023 sẽ đại diện thi cuộc thi nào?
Một trường hợp khác cũng khiến cộng đồng người hâm mộ sắc đẹp quan tâm, đó là Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới Việt Nam (Miss World Vietnam).
Trước đây, người chiến thắng ngôi vị cao nhất của Hoa hậu Việt Nam sẽ là thí sinh đại diện thi Miss World. Kể từ năm 2022, khi công ty Sen Vàng tổ chức thường niên cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam và nắm quyền cử thí sinh thi Miss World, nhiều người cho rằng những người đẹp đăng quang Hoa hậu Việt Nam sẽ... "mất cửa" đến với Miss World.
Điển hình như Huỳnh Thị Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Việt Nam hồi tháng 12/2022. Sen Vàng khẳng định cô sẽ "xuất ngoại", nhưng những suất thi quốc tế mà công ty nắm bản quyền đều gần như đã có chủ. Sắp tới, Miss World 2023 cũng sẽ do Hoa hậu Mai Phương đại diện tham gia.
Bao giờ hết "lạm phát" hoa hậu?
Thời trước, nhắc đến hoa hậu là khán giả sẽ nhớ tên những người đẹp nổi bật như Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Ngọc Hân… Tên tuổi của họ đều đã được định hình trong lòng công chúng. Số lượng cuộc thi trước đây ít, mức độ quan tâm của công chúng cũng tập trung hơn.
Tuy nhiên, khi các cuộc thi nhan sắc nở rộ, nhiều khán giả cho rằng họ gần như không nhớ nổi tên, danh xưng của những hoa hậu vừa đăng quang. Đặc biệt, sự trùng lặp, chồng chéo tên gọi của các cuộc thi càng khiến dư luận có cái nhìn tiêu cực về "hoa hậu" ở Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Phạm Duy Khánh - đạo diễn, nhà sản xuất kiêm Ủy viên Ban Chấp hành Hội người mẫu Việt Nam - nhận định tình trạng bùng nổ số lượng cuộc thi, chồng chéo tên gọi cuộc thi hoa hậu bắt đầu diễn ra sau khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ban hành hồi cuối 2020.
"Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được cấp phép tổ chức. Sau này, khi Nghị định 144 được ban hành, các đơn vị, doanh nghiệp nào muốn tổ chức thi hoa hậu, không cần phải lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin giấy phép mà chỉ cần qua Sở Văn hóa địa phương.
Điều này khiến bùng nổ số lượng cuộc thi nhan sắc được tổ chức và dẫn tới tình trạng tên gọi "na ná nhau", gây nhầm lẫn cho khán giả.
Nếu quy định trở về như cũ thì số lượng các cuộc thi sẽ không bị "loãng" nữa. Theo tôi, các cơ quan quản lý cũng đã nắm được những bất cập này và trong tương lai, có thể sẽ phải siết lại, không thể để tình trạng hoa hậu "loạn như cái chợ" được", ông Khánh đưa ra quan điểm.
Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương cũng chia sẻ sự hoang mang trước tình trạng "loạn" tên gọi của các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam ngày nay.
Người đẹp bày tỏ với phóng viên Dân trí: "Ở cương vị là một khán giả theo dõi, tôi cảm thấy khá "rối", hoang mang trước sự mọc lên ồ ạt của nhiều cuộc thi nhan sắc. Điều này cũng khiến tôi khá chạnh lòng. Vì bây giờ các bạn có nhiều ê-kíp giỏi, có nhiều sân chơi để tỏa sáng.
Thời của tôi, để tham gia một cuộc thi và đạt danh hiệu hoa hậu là rất khó. Cuộc thi tôi từng tham gia là Hoa hậu Thế giới người Việt, một trong số những cuộc thi hiếm hoi đạt cấp quốc gia thời đó.
Ngày xưa, tên gọi, danh xưng hoa hậu rất nghiêm ngặt, khó khăn. Còn bây giờ, nhiều cuộc thi ra đời, trùng lặp nhau gây nhầm lẫn. Tôi đặt câu hỏi rằng việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu có đang dễ dãi quá không? Ngay cả giới truyền thông, báo chí cũng bị "loạn" vì quá nhiều cuộc thi, thì khán giả như tôi làm sao nhớ hết được?".
Hoa hậu Diễm Hương cho rằng mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí riêng. Cách chọn hoa hậu ngày nay cũng có thêm nhiều tiêu chí khác, hiện đại, năng động hơn so với ngày xưa. Nhưng vì quá nhiều cuộc thi, thí sinh chất lượng không đủ đáp ứng nên gây ra một số tranh cãi.
"Tôi mong rằng khán giả, truyền thông và các cấp quản lý sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn, để trả lại sự đẹp đẽ cho danh xưng hoa hậu. Bây giờ nhắc đến hoa hậu là khán giả có nhiều định kiến khiến tôi khá tủi thân", Diễm Hương chia sẻ.
Bích Phương (Theo Dantri.com.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận