VESS nói về thị trường xăng dầu: Các nhóm lợi ích vẫn muốn duy trì vị thế
Các quy định kiểm soát chặt chẽ cấu trúc của chuỗi cung ứng, từ phân phối tới bán lẻ xăng dầu, tạo thành hiện tượng độc quyền bán, qua đó duy trì sức mạnh vốn có của các doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả các ngành trong nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng to lớn của mặt hàng xăng dầu. Khi giá xăng dầu biến động, chắc chắn giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ biến động theo, từ đó gây tác động đến tính ổn định của nền kinh tế và đặc biệt là tác động trực tiếp đến dời sống của người dân.
Thị trường có tính độc quyền bán cao
Từ kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) mới được công bố ngày 27/6 cho thấy, các quy định chi tiết và chặt chẽ trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP được xác định nhằm hướng tới mục đích duy trì ổn định của thị trường xăng dầu, cũng như sự an toàn trong lao động và kinh doanh.
Làm rõ hơn kết quả nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, khi giá xăng dầu tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến một số ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu để hoạt động, cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đặc biệt, thị trường xăng dầu Việt Nam có tính độc quyền bán cao, dẫn tới rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng.
“Việc kiểm soát giá và điều hành giá xăng dầu nhằm giúp Chính phủ mong muốn đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng vấn đề này có thể hình thành tình trạng các DN bán lẻ bị lỗ vốn, đóng cửa, rút khỏi thị trường do lợi nhuận không đảm bảo đủ chi phí kinh doanh. Từ đó ảnh hưởng đến hạ tầng năng lượng trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và cuối cùng là an ninh năng lượng quốc gia”, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành chỉ rõ.
Theo nghiên cứu của VESS, xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình. Nghiên cứu chỉ ra mỗi lít xăng, dầu bán ra trong nước hiện đang phải chịu thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng…
Thực tế chỉ trong vòng 2 tháng (từ tháng 4/2022 đến thàng 6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục 6 lần, vượt mức 32.000 đồng/lít và vượt đỉnh giá lịch sử tháng 7/2014 là 26.140 đồng/lít. Theo ông Thành, thuế xăng dầu hiện đang đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn tới hao hụt không hề nhỏ, gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế khác.
“Thuế chồng thuế” đối với xăng dầu
Trong bối cảnh thị trường xăng dầu biến động liên tục như hiện nay, cách tính các khoản thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể không còn phù hợp. Sự bị động về nguồn thu đã nảy sinh khi giá thế giới giảm đột ngột, hoặc tăng gánh nặng về giá khi giá thế giới tăng mạnh liên tục (hiệu ứng gia tốc) đã xảy ra trong quá khứ, do cách tính các khoản thuế áp lên mặt hàng này.
“Giá xăng dầu cao đã tạo ra áp lực tiêu cực cho nền kinh tế. Việt Nam có thể đối mặt với lạm phát, tăng thuế và giá đầu vào sản xuất tăng do xăng dầu được coi là một trong các khoản chi phí đầu vào của sản xuất. Với tỷ trọng thuế 25% (năm 2022), nếu thay đổi cách áp thuế lên mặt hàng xăng dầu có thể thay đổi giá xăng dầu bán lẻ một cách đáng kể’, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành nhìn nhận.
Cho rằng các chính sách về kinh doanh xăng dầu hiện đang có nhiều bất cập, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam dẫn chứng, từ năm 2022 đến nay, Chính phủ đã có yêu cầu sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 nhưng đến nay vẫn chưa được thông qua. Trong khi đó, các DN kinh doanh xăng dầu đang rất mong muốn các nghị định này nhanh chóng được thông qua, kịp thời khắc phục những bất cập, giúp thị trường xăng dầu ổn định, hỗ trợ các DN phát triển và vượt qua thời kỳ khó khăn.
Bà Hường cũng bày tỏ quan điểm về cách tính thuế đối với mặt hàng xăng dầu hiện nay theo kiểu “thuế chồng thuế”. Do đó Chính phủ cần phải đối chiếu nhiều vấn đề khi so sánh giá xăng dầu tại Việt Nam với giá xăng dầu tại nhiều quốc gia và khu vực. Từ đó làm căn cứ để ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu, đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá chung.
“Khi giá xăng dầu của Việt Nam tăng cao đã xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào và ngược lại. Hiện thành phần sử dụng xăng dầu nhiều nhất vẫn là vận tải, nếu mức tăng từ 10%-20% không ảnh hưởng lớn, nhưng rất nhiều ngành nghề khác lấy làm lý do để tăng giá dịch vụ, gây khó khăn cho DN và người tiêu dùng. Tuy vậy vẫn không có cơ quan nào chỉ ra được những bất cập đó mà đổ hết cho giá xăng dầu”, bà Hường thẳng thắn nói.
Để giảm tỷ trọng thuế xăng dầu trong giá cơ sở, cũng như tránh các khoản thu từ thuế tăng mạnh do giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhóm nghiên cứu của VESS khuyến nghị Chính phủ thay đổi cách áp 2 khoản thuế bảo vệ môi trường hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt.
Hướng thay đổi sẽ là gộp 2 loại thuế vào 1 hoặc bỏ 1 trong 2 loại thuế này; sử dụng thuế tuyệt đối thay vì thuế tương đối, cụ thể với thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức gợi ý là 2.000 VND/lít. Các loại thuế tương đối vốn có như VAT, thuế nhập khẩu cũng cần cân nhắc giới hạn tuyệt đối, ví dụ 3.000 VND/lít và được điều chỉnh định kỳ theo điều kiện thị trường và xã hội.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận