Bị quấy rối đòi trả nợ tiền thay người thân thì phải làm gì?
Trường hợp những người cho vay vẫn tiếp tục hành vi đe dọa ép buộc các thành viên trong gia đình thì bạn nên làm đơn trình báo gửi đến cơ quan Công an xã, phường nơi gia đình bạn đang sinh sống.
Báo Điện tử VOV nhận được câu hỏi của độc giả về tính huống pháp lý như sau: "Anh trai em có vay tiền của bên cho vay tài chính, gia đình em không biết gì về khoản vay đó và không đứng ra bảo lãnh trả hay có liên quan gì đến khoản vay đó. Giờ bên cho vay cứ đến nhà em quấy rối và hăm doạ đòi gia đình em phải trả khoản vay của anh trai em, trong khi anh trai em đã đi trốn biệt tăm. Bây giờ gia đình em phải làm sao để không bị bên cho anh trai em vay tiền làm phiền?"
Về trường hợp này, Báo Điện tử VOV đã liên hệ tới Luật sư Nguyễn Thị Huế – Công ty Luật TNHH XTVN (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội), và nhận được lời tư vấn pháp lý như sau:
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Hợp đồng vay tài sản, thì: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”.
Theo thông tin mà bạn cung cấp, những người đã cho anh trai bạn vay tiền đã có hành vi quấy rối, hăm dọa ép buộc gia đình bạn trong khi các thành viên trong gia đình không phải bên vay, hành vi trên có dấu hiệu của tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS 2015).
Hành vi cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 BLHS 2015: Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Về hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực là hành vi thể hiện thái độ, cử chỉ, lời nói tạo cho người bị đe dọa cảm giác sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không để cho lấy tài sản. Giữa thời điểm đe dọa sẽ dùng vũ lực với thời điểm dùng vũ lực có một khoảng cách nhất định về thời gian. Cho nên, người bị đe dọa có điều kiện suy nghĩ, cân nhắc để quyết định hành động.
- Về hành vi dùng thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi đe dọa sẽ làm một việc gây thiện hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt tài sản của người phạm tội (như đe dọa hủy hoại tài sản, loan tin về đời tư, tố giác hành vi phạm pháp…của người bị đe dọa).
Về trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản tùy tính chất, mức độ của hành vi mà có thể phải chịu hình phạt đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản do phạm tội mà có.
* Lời khuyên của luật sư:
Trước tiên, gia đình bạn nên nói rõ sự việc với những người đã cho anh trai bạn vay tiền rằng các thành viên trong gia đình hoàn toàn không biết và cũng không bảo lãnh cho bất cứ khoản vay nào của anh trai mình. Đề nghị những người đã cho anh trai vay tiền chấm dứt hành vi quấy rối, đe dọa bắt các thành viên trong gia đình phải trả tiền thay cho anh trai.
Trường hợp những người cho vay vẫn tiếp tục hành vi đe dọa ép buộc các thành viên trong gia đình thì bạn nên làm đơn trình báo gửi đến cơ quan Công an xã, phường nơi gia đình bạn đang sinh sống để đề nghị cơ quan Công an can thiệp buộc những người đã cho anh trai bạn vay tiền chấm dứt thực hiện hành vi quấy rối, đe dọa các thành viên trong gia đình và tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận