Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm việc với Bộ GD&ĐT về giáo dục phổ thông
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan thuộc đối tượng giám sát cần phát huy tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị để phản ánh, báo cáo trung thực, tránh việc tô hồng hay bôi đen thực trạng những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa...
Ngày 24/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chủ trì cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với Bộ GD&ĐT.
Tham dự cuộc làm việc có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, cùng các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc và đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành.
Tránh tô hồng hay bôi đen thực trạng
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thời gian qua, Đoàn giám sát đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động giám sát thực tiễn. Trong quá trình thực hiện các hoạt động giám sát, Đoàn đã nhận được sự phối hợp hiệu quả, tham gia tích cực và chủ động của Bộ GD&ĐT, cũng như của các bộ, ngành liên quan.
Bộ GD&ĐT cũng đã có báo cáo và cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết; luôn lắng nghe trên tinh thần cầu thị và tiếp thu, nhiều lần báo cáo bổ sung các nội dung, chủ đề theo yêu cầu của Đoàn.
Quán triệt tinh thần làm việc cởi mở, thẳng thắn, có tính xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Đoàn giám sát cần tập trung trí tuệ, có phương pháp tiếp cận khoa học, phù hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu để đưa ra những nhận xét, đánh giá công bằng, khách quan và có những đề xuất, kiến nghị xác đáng, có chất lượng, góp phần xây dựng và hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nghiên cứu, xem xét tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan thuộc đối tượng giám sát cần phát huy tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị để phản ánh, báo cáo trung thực, tránh việc tô hồng hay bôi đen thực trạng những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thực hiện đổi mới chương trình, đổi mới sách giáo khoa trong thời gian qua theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.
Triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề khó
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước về xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hệ thống văn bản bao quát các mặt, lĩnh vực để bảo đảm yêu cầu đổi mới.
Công tác chỉ đạo của Chính phủ đã cơ bản bao quát toàn diện các nội dung theo yêu cầu đổi mới; bảo đảm sự sâu sát và kịp thời trong chỉ đạo triển khai và giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, việc ban hành hệ thống các văn bản còn chậm so với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông so với lộ trình quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Cụ thể: Việc tham mưu ban hành Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, Đề án bảo đảm cơ sở vật chất, Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các môn học, cơ chế tài chính... để thực hiện Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ đều bị chậm so với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông so với lộ trình quy định tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội.
Để bảo đảm các điều kiện triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cho phép điều chỉnh lộ trình triển khai thực hiện. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2017/QH14 về điều chỉnh lộ trình và hệ thống các văn bản này kịp thời để triển khai thực hiện.
Thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội, Quyết định số 404 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã rà soát, phân tích những bất cập, vướng mắc của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương ban hành về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương bảo đảm tính đồng bộ, đầy đủ.
Việc triển khai đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông là vấn đề khó, có những nội dung lần đầu tiên thực hiện, như: Ban hành chương trình tổng thể, sau đó ban hành chương trình môn học làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, trong khi đó vẫn giao Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ nhằm tránh việc không thực hiện được xã hội hóa nên trong quá trình triển khai có một số điều chỉnh.
Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được Bộ GD&ĐT kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho điều chỉnh bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.
Phương Liên
(Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận