Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
Sáng 19/3 tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam do Bộ Kế hoạch đầu tư tổ chức đã được diễn ra. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới; Ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế; Đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Thông qua Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp đã phản biện, đưa ra nhiều khuyến nghị có giá trị để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như đồng hành cùng Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ đề diễn đàn “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” là chủ đề rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn. 25 năm qua, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng đã thông tin đến các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp về những kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Thủ tướng cho biết, năm nay Việt Nam đã bước vào năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nhanh và bền vững. Cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, mở ra không gian phát triển rộng lớn từ những Hiệp định FTA thế hệ mới mang lại.
Tuy nhiên, tình hình thế giới ngày nay có sự chuyển biến rất nhanh, khó lường, với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Tình hình trong nước, khó khăn, thách thức ngày càng tăng. Với quan điểm lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển và tư tưởng chỉ đạo là xác định nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược lâu dài, mang tính quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH. Chính phủ thường xuyên tổ chức các kỳ họp về xây dựng thể chế, xây dựng chính sách, đề xuất tại các kỳ họp thường xuyên và kỳ họp bất thường của Quốc hội sửa các luật.
Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu...
Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; lấy khoa học, giáo dục là quốc sách hàng đầu, chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
Cùng với đó, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn và trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp./.
Vũ Khuyên/VOV
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận