Cần công khai, đơn giản hoá các thông tin về quy hoạch đất đai
Cần cụ thể, đơn giản hoá các thông tin về quy hoạch để người dân hiểu và giám sát trong quá trình lập và triển khai thực hiện quy hoạch, đồng thời cần ràng buộc cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi lắng nghe, tiếp thu và giải trình ý kiến của nhân dân về nội dung này.
Đây là những ý kiến góp ý liên quan đến quy hoạch đất đai trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi.
Quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương, thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2016 có 8 dự án có chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp quy hoạch phân khu được phê duyệt năm 2015. Quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 có 5 dự án có chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp với quy hoạch phân khu được phê duyệt năm 2015. Đó là thực trạng đã được thanh tra Bộ xây dựng công bố. Đồ án Quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 có quy mô diện tích gần 955 nghìn m2 nhưng không bố trí trạm Y tế, sân luyện tập, chợ theo quy mô dân số gần 30 nghìn người.
Anh Nghiêm Văn Võ ở quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội nhận xét: "Cả một tuyến đường dài như vậy sẽ được làm quy hoạch rất chặt chẽ. Theo thông tin tôi biết, tuyến đường này thiếu tới hàng trăm nghìn mét vuông cho trường học, trạm xá, cây xanh. Việc quy hoạch có vấn đề rất nghiêm trọng. Tôi nghĩ rằng, các cơ quan cần làm rõ vấn đề này"
Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội nêu thực tế: "Công khai thông tin là rất quan trọng, việc công khai như thế nào cũng rất quan trọng. Chúng ta biết rằng, tòa nhà được che kín, đập phá đi thì chỉ qua thông tin đại chúng, các cấp mới biết. Nhìn giấy tờ thì rất đúng quy trình. Người ta bỏ đi khâu nào đó thì nó thành mù mờ. Do đó, công khai thông tin, trình bày thông tin mà cần che mắt thì cũng không khó. Hệ thống giám sát vô cùng yếu".
Điều 68 dự thảo Luật đất đai sửa đổi quy định về nội dung lấy ý kiến gồm: báo cáo thuyết minh; hệ thống bản đồ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công bố, công khai ý kiến đóng góp và việc tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp trên trang thông tin điện tử của Cơ quan lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp huyện, cấp tỉnh.
Về những quy định này, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi nêu ý kiến: "Khi tham vấn cần nêu rõ nội dung thay đổi, có thể mời trực tiếp đối tượng chịu ảnh hưởng bởi quy hoạch, ngôn ngữ, ngôn từ sử dụng như thế nào cho phù hợp với địa phương, những điểm đó cần thể hiện rõ trong dự thảo luật. Về tính giải trình thì tham vấn xong, mức độ đồng thuận như thế nào, chúng ta có thể phê duyệt hay điều chỉnh thì dự thảo chưa rõ".
Để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan trong việc thông báo quy hoạch tới người dân, ông Văn Tiến Lực, Trưởng ban vận động Hiệp hội bất động sản tỉnh Quảng Trị cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ chế tài: "Về công tác quản lý quy hoạch thì theo quy định, những vùng đất có quy hoạch sau 15 ngày kể từ ngày thông qua quy hoạch thì phải thông báo rộng rãi, tránh phát sinh quyền lợi dân sự, có cách nào đó phải có chế tài quản lý tốt hơn về công tác quy hoạch".
Bản quy hoạch tốt nhất là bản quy hoạch thể hiện được sự mong muốn của người dân, đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn. Vì thế, dự thảo Luật đất đai sửa đổi cần thể hiện rõ nét hơn quy trình, thủ tục lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Điều này có ý nghĩa đối với chất lượng và tính khả thi của bản quy hoạch./.
Vân Hồng/VOV1
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận