Tính lịch sử của một hiệp định lịch sử
Hiệp định lịch sử ấy là Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ký ngày 27/1/1973, gắn liền với cuộc chiến tranh Việt-Mỹ (1954-1975).
Đó là cuộc chiến mà cứ theo bài bản trong học thuyết chiến tranh của Hoa Kỳ, thì không phải ký bất cứ một hiệp định hay hiệp ước nào; nhưng thực tế đây là lần đầu tiên Mỹ phải ký một hiệp định để kết thúc cuộc chiến tranh không thắng.
Tính chung, Hiệp định lịch sử ấy còn thể hiện 5 vấn đề khác biệt nữa có thể liệt kê dưới đây.
Một là, cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 (Đợt 1) đã buộc Mỹ lần đầu tiên phải rà soát lại toàn bộ cuộc chiến tranh từ A đến Z; từ đó đi đến quyết định nói chuyện với Việt Nam Dân chủ cộng hoà - thực chất là đàm phán Việt-Mỹ để chấm dứt chiến tranh thực dân mới ở Việt Nam.
Hai là, trong suốt thời gian đàm phán, tổng thống Mỹ phải trải qua 2 lần bầu cử, nước Mỹ phải thay đổi chiến lược toàn cầu lần thứ 3 (Học thuyết Nixon), bộ máy chiến tranh của Mỹ phải áp dụng chiến lược chiến tranh mới lần thứ 4 (Việt Nam hóa chiến tranh); đây cũng là lúc Mỹ mở rộng chiến tranh trên bộ ra toàn cõi Đông Dương và phải sử dụng cả chính sách ngoại giao nước lớn gây áp lực với cách mạng Việt Nam.
Ba là, Mỹ phải mở liên tiếp 2 chiến dịch Linebacker, nhất là chiến dịch Linebacker II trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 và lần đầu tiên chịu tổn thất lớn về không quân chiến lược, nhưng vẫn không thể thực hiện được việc chỉnh sửa mấy chục chi tiết trong các điều khoản hiệp định thỏa thuận với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Bốn là, trong gần 4.620 chữ nội dung của bản hiệp định 23 điều khoản đã ký kết và thực thi, điểm quan trọng có tính mấu chốt nhất là vấn đề Mỹ đơn phương rút quân trong 60 ngày. Điều đó cũng làm thay đổi toàn bộ cuộc chiến, xác tín trong thực tế 18 năm "đánh cho Mỹ cút", mở ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Năm là, hội đàm Việt-Mỹ kéo dài hơn 4 năm 8 tháng mới đi đến ký kết hiệp định và có hiệu lực ngay lập tức (ngày 28/1/1973); nhưng chiến tranh chỉ thực sự chấm dứt, lập lại hoà bình sau hơn 2 năm 3 tháng thi hành hiệp định, kết thúc bằng cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân 1975.
Mỹ tự gây ra cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ XX ở Việt Nam; tự sản sinh ra bộ máy chính quyền và quân đội tay sai mang tên Việt Nam Cộng hòa; vì vậy tự làm khó và thêm tốn kém khi muốn kết thúc chiến tranh. Ngay cả khi đã có bản hiệp định hòa bình và thực thi rốt ráo Điều 5 của hiệp định, Mỹ vẫn còn ảo tưởng kéo dài chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, vi phạm và phá hoại hiệp định, buộc các lực lượng cách mạng Việt Nam phải trừng trị, tiến tới gạt bỏ mọi cản trở trên con đường lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh, thống nhất Tổ quốc.
Trên đất nước Việt Nam suốt từ năm 1862 đến năm 1973 đã có biết bao nhiêu hiệp định mong đem lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh; chỉ đến khi có Hiệp định Paris năm 1973 mới thực sự đạt được mục đích chung, như mở đầu Hiệp định này đã viết "chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hoà bình ở châu Á và thế giới".
Đó cũng chính là danh giá đặc biệt của một hiệp định lịch sử.
Hà Minh Hồng
(Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận