Salmonella có ở trong những thực phẩm nào?
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, kết quả phân lập mẫu bệnh phẩm của những bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở trường iSchool Nha Trang cho thấy các em học sinh đã bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.
Tối 21/11, Sở Y tế Khánh Hòa đã thông báo kết quả phân lập từ nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh viện cho thấy tác nhân gây bệnh là Salmonella, nhạy cảm với phần lớn kháng sinh, trong đó ghi nhận một trường hợp kháng với các kháng sinh là Gentamicin, Amikacin, Tobramicin.
Có thể tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn. Vậy, vi khuẩn Salmonella là gì và gây bệnh như thế nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Salmonella thường gây bệnh tiêu chảy nhiều nhất, ngoài ra có các loại Salmonella khác – Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi – gây sốt thương hàn và phó thương hàn.
Triệu chứng nhiễm khuẩn Salmonella
Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella thường xuất hiện các triệu chứng từ 6 giờ đến 6 ngày sau khi nhiễm bệnh, bao gồm tiêu chảy có thể ra máu, sốt và co thắt dạ dày.
Phần lớn bệnh nhân hồi phục trong vòng 4 đến 7 ngày mà không cần điều trị bằng kháng sinh. Nhưng một số người bị tiêu chảy nặng có thể phải nhập viện hoặc dùng thuốc kháng sinh.
Đối với nhiễm khuẩn Salmonella xâm lấn, bệnh nhân có thể gặp vấn đề nghiêm trọng và bị đe dọa tính mạng. Thống kê có khoảng 8% trường hợp bị biến chứng nặng, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ - những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Thực phẩm nào có thể nhiễm khuẩn Salmonella?
Chúng ta có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella từ nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt gà, gà tây, thịt bò, thịt lợn, trứng, trái cây, rau mầm, các loại rau khác và thậm chí cả thực phẩm chế biến sẵn.
Salmonella lây qua đường nào?
Salmonella thường lây trong quá trình bảo quản thực phẩm. Mua thực phẩm về không cho vào tủ lạnh cấp đông ngay sẽ dễ dàng bị vi khuẩn xâm nhập.
Ban đầu vi khuẩn xâm nhập trong diện tích nhỏ, lây lan dần dần và sinh ra các độc tố ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng. Salmanella còn lây lan trong quá trình chế biến, nếu tay nhiễm khuẩn sẽ tạo ra chuỗi lây từ thực phẩm này sang thực phẩm khác.
Người dùng không thể nhận biết được Salmanella vì chúng không gây mốc, mùi hôi, nhớt như các loại vi khuẩn gây ngộ độc khác. Do đó, người tiêu dùng khó mà nhận biết thực phẩm phẩm nào nhiễm Salmonella để bỏ đi. Tảng thịt lớn, khối thịt bếp ăn tập thể là môi trường màu mỡ để vi khuẩn này sinh sôi phát triển nhưng người chế biến không nhận biết được.
Vì vậy, chuyên gia khuyên các gia đình cần bảo quản thực phẩm thật tốt, cấp đông sau 2 tiếng mua thực phẩm về, không nên để thực phẩm ở môi trường nhiệt độ thường quá lâu./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận