Bộ Công Thương muốn biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt chỉ còn 5 hoặc 4 bậc
Trong đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành và địa phương xem xét cho ý kiến về 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.
Bộ Công Thương mới có Đề án phương án sửa đổi cơ cấu Biểu giá bán lẻ điện gửi các bộ, ngành, địa phương lấy ý kiến. Trong đó đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành, đặc biệt là biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Theo đơn vị tư vấn Đề án (Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa), đối với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, đề án phân tích các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 1 bậc (giá sinh hoạt đồng giá), 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.
Theo phân tích của đơn vị tư vấn, phương án đồng giá (1 bậc) không áp dụng được trên thực tế khi nhìn vào các mục tiêu định giá như chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc.
Cụ thể, bậc 1 áp dụng cho 0-100 kWh đầu tiên với giá điện mới là 1.753 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh); Bậc 2 áp dụng cho 101-200 kWh tiếp theo với giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh); Bậc 3 áp dụng từ 201 – 400 kWh với giá điện mới đề xuất là 2.424 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536-2.834 đồng/kWh).
Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 4 áp dụng từ 401-700 kWh với giá điện mới đề xuất là 2.871 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh); Bậc 5 áp dụng từ 701 trở lên với giá điện mới đề xuất là 3.076 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh).
Trên cơ sở ý kiến của đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương đánh giá Đề án được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận về tính giá điện phản ánh chi phí, phương pháp phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện nên đã dần xóa được việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị các Bộ, ngành và địa phương xem xét cho ý kiến về 2 phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.
Tuy nhiên, trong phương án biểu giá điện 5 bậc, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh. Đồng thời, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh. Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.
Đối với phương án biểu giá điện 4 bậc, bậc 1 áp dụng cho 100 kWh đầu tiên; Bậc 2 áp dụng cho kWh từ 101-300; Bậc 4 áp dụng từ 301-700 kWh và bậc 5 áp dụng từ 701 kWh trở lên. Bộ Công Thương muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ), ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 100-200 kWh; 301-400 kWh và trên 700kWh. Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.
Theo Bộ Công Thương, ưu điểm của phương án này là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực. Biểu giá điện 4 bậc sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100-300 kWh.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận