Nghị định mới về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TT&TT
Nghị định mới của Chính phủ nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có thẩm quyền cho ý kiến về việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 48/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 26/7/2022 và thay thế Nghị định số 17/2017 của Chính phủ, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nghị định 48/2022 quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh và truyền hình; thông tin điện tử; thông tấn; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử; chuyển đổi số quốc gia và quản lý nhà nước dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hà Nội
Về báo chí (gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, bản tin thông tấn), Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển và quản lý báo chí, văn phòng đại diện, cơ quan thường trú ở nước ngoài của các cơ quan báo chí Việt Nam theo quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản được Thủ tướng phê duyệt.
Tổ chức thông tin cho báo chí và quản lý thông tin của báo chí; thực hiện việc đo kiểm và công bố số liệu liên quan đến hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Ban hành quy chế tổ chức hội thi, hội thảo, liên hoan báo chí. Kiểm tra báo chí lưu chiểu; quản lý hệ thống lưu chiểu báo chí in quốc gia; thực hiện lưu chiểu điện tử báo nói, báo hình, báo điện tử theo quy định của pháp luật.
"Có ý kiến về việc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan báo chí theo quy định của pháp luật về báo chí. Quản lý nội dung, chất lượng và dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật" - Nghị định 48 nêu rõ.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ cấp, sửa đổi, bổ sung, tạm đình chỉ, thu hồi các loại giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; chấp thuận việc họp báo theo quy định của pháp luật về báo chí.
"Hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của pháp luật" - Nghị định nêu rõ.
Về thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình và đề án thông tin đối ngoại. Hướng dẫn nội dung và phối hợp cung cấp thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tin, báo chí của Việt Nam.
Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan báo chí, xuất bản trong và ngoài nước.
Bộ này cũng được giao xây dựng cơ chế trao đổi, phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan báo chí. Theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức cung cấp thông tin giải thích, làm rõ các thông tin sai lệch về Việt Nam trên các lĩnh vực.
Cơ cấu, tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm 26 Vụ, Cục và đơn vị sự nghiệp công nghiệp công lập trực thuộc.
Cụ thể: Vụ Bưu chính; Vụ Khoa học và Công nghệ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Kinh tế số và Xã hội số; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Cục Báo chí; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin cơ sở; Cục Thông tin đối ngoại; Cục Viễn thông; Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục An toàn thông tin; Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông; Cục Bưu điện Trung ương; Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông; Trung tâm thông tin; Báo VietNamNet; Tạp chí Thông tin và Truyền thông; Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông; Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.
Nghị định số 48/2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2022./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận