Quy định 69: Liều thuốc đặc trị cho căn bệnh "chạy chức, chạy quyền"
"Tôi cho rằng quy định là một chuyện nhưng chuyện đi vào cuộc sống là phải có nơi, tổ chức, cơ quan phải miễn dịch với vấn đề tiêu cực”.
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định đã bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, đồng thời cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những hình thức vi phạm. Điểm đáng chú ý, tại Quy định 69, lần đầu tiên các văn bản về xử lý kỷ luật đảng đề cập đến mức kỷ luật khi đảng viên chạy chức chạy quyền.
Cách đây gần 3 năm, ngày 23/9/2019 Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, bước đầu cụ thể về cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện hành vi chạy chức, chạy quyền; cũng như xử lý các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Tuy nhiên, quy định này không đề cập cụ thể các hành vi sẽ bị kỷ luật đảng ở các mức độ nào. Từ thực tiễn đó, Quy định 69 được ban hành đã đánh dấu việc lần đầu tiên các văn bản về xử lý kỷ luật đảng đề cập đến mức kỷ luật khi đảng viên chạy chức chạy quyền. Với từng biểu hiện cụ thể, đảng viên vi phạm sẽ phải chịu mức kỷ luật tương ứng là khiển trách, cảnh cáo và khai trừ khỏi Đảng.
Cụ thể:
Kỷ luật bằng hình thức khiển trách khi: Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân. Mặc cả, đặt điều kiện, đòi hỏi không chính đáng đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm để được sắp xếp vào chức vụ, vị trí công tác.
Kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo khi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thao túng, bao che hành vi tiêu cực. Can thiệp, tác động trái quy định vào công tác cán bộ; bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, theo quy định. Để cho người khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để bố trí, bổ nhiệm cán bộ.
Kỷ luật bằng hình thức khai trừ khi: Đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm các quy định trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng".
Với từng mức kỷ luật khi đảng viên chạy chức chạy quyền trong Quy định 69, không những tạo thuận lợi cho các tổ chức Đảng thi hành kỷ luật đảng viên mà còn có tác dụng răn đe với những đảng viên có ý định chạy chức, chạy quyền.
Điều này được đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm.
"Quy định như này là tốt. Vì những người đang định chạy chức, chạy quyền phải suy nghĩ. Đảng đã quy định rất rõ, nếu anh chạy chức, chạy quyền nhẹ thì kiểm điểm phê bình, nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Ít nhất tác động đến những người đã làm và định làm việc này” - một Đảng viên ở Hà Nội cho biết.
Nhiều ý kiến nhận định, các quy định mới về phòng chống chạy chức, chạy quyền trong Quy định số 69 là những “liều thuốc đặc trị” căn bệnh chạy chức chạy quyền đang gây nhức nhối trong xã hội.
PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Chạy chức chạy quyền, chạy vị trí rất tinh vi. Cho nên, Đảng ta có những quy định giải pháp rất thiết thực. Tôi thấy đây là quy định sát thực tiễn. Bản thân nhân dân, cán bộ đảng viên bình thường cũng cảm nhận được thực trạng chạy chức, chạy quyền là khá nhiều. Tôi cho rằng không khó để xử lý, vấn đề là có cơ chế để phanh phui, để xử lý thì sẽ làm được”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nêu thẳng vấn đề: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?...”. Việc “chạy chức, chạy quyền” hết sức tinh vi, bí mật, khó “bắt tận tay”, không dễ thừa nhận hoặc tố cáo của cả 2 phía.
Chính vì vậy, để xử lý nghiêm hơn nữa cần phải bổ sung những quy định về cơ chế và xác định những dấu hiệu vi phạm luật hình sự để xử lý. Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát, siết chặt quy định cần thực hành dân chủ rộng rãi, thực chất hơn. Ở mỗi tổ chức cần công khai số quy hoạch, luân chuyển cho đến bổ nhiệm cán bộ, đảng viên. Có như vậy sẽ hạn chế lạm quyền, làm trái quy trình, quy định, người chạy cũng khó luồn lách.
Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: “Quy trình nào cũng vậy, là công cụ rơi vào tay ai và ai sử dụng. Cũng quy trình ấy mà những người công tâm khách quan và có trí tuệ thì quy trình tạo ra một sản phẩm tốt. Còn ai đó không trong sáng với lợi ích nhóm, cá nhân chủ nghĩa thì cũng có khi với quy trình ấy sử dụng nó, lợi dụng nó để tạo ra sản phẩm theo ý mình là một sản phẩm không được tính”.
Theo PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chặt quyền lực trong công tác cán bộ bằng thể chế, cơ chế. Xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế không chỉ tạo điều kiện, môi trường cho cá nhân tự giác tuân thủ pháp luật, nguyên tắc tổ chức, mà còn dựng lên một hành lang pháp lý để không ai có thể vượt qua. Mặc dù vậy, cũng cần đặc biệt coi trọng tổ chức nghiêm việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và liên tục nếu không sẽ khó khả thi.
“Người đi thanh tra, kiểm tra mà ngại, thậm chí còn sợ thì khó mà đi vào cuộc sống được. Quá trình tổ chức thực hiện phải có dũng khí vì đụng đến vấn đề kiểm tra, giám sát kiểm soát quyền lực là đụng đến người có chức có quyền, đã là người có chức có quyền thì càng không dễ dàng. Tôi cho rằng quy định là một chuyện nhưng chuyện đi vào cuộc sống là phải có nơi, tổ chức, cơ quan phải miễn dịch với vấn đề tiêu cực. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra không phải lo lắng gì đến việc bị trả thù, trù úm” - PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Chống “chạy chức, chạy quyền” là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết, ngoài xây dựng một hệ thống thể chế, cơ chế để chống cho được cơ chế xin – cho thì cần đổi mới các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ để tiền lương thực sự trở thành thu nhập chính. Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh việc bố trí Bí thư cấp ủy ở tỉnh, huyện không phải là người địa phương để hạn chế, khắc phục tình trạng bổ nhiệm người nhà, dòng họ, cục bộ địa phương. Trên cơ sở đó mở rộng áp dụng hình thức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước để khắc phục cho được tình trạng “chạy chức, chạy quyền”./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận