Việt Nam giám sát chặt chẽ, ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập
Để chủ động hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 24/5, thế giới đã ghi nhận 131 ca mắc và 106 ca nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các quốc gia ngoài châu Phi, nơi căn bệnh này là đặc hữu.
Liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới với nhiều người mắc, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Để chủ động hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ: Benin, Cameroon, CH Trung Phi, CHDC Công gô, Gabon, Ghana, Bờ Biển Ngà, Liberia, Nigeria, CH Công gô, Sierra Leone và Nam Sudan.
Đồng thời tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga, gối, đệm. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khỉ có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đợt bùng phát dịch bệnh này được coi là bất thường khi xuất hiện ở những nước mà virus thường không có xu hướng lây lan. Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm kiếm nguồn gốc lây nhiễm và xác định liệu có virus có biến đổi hay không.
Nhiều nước lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch đậu mùa khỉ
Giới chức y tế nhiều nước đã bắt đầu lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dịch đậu mùa khỉ, trong khi các nhà khoa học đang tìm cách lý giải tại sao một họ hàng ít nguy hiểm hơn của virus đậu mùa lại xuất hiện ở nhiều quần thể trên khắp thế giới như vậy.
Cơ quan Y tế Pháp ngày 24/5 khuyến nghị các chính quyền nên bắt đầu một chiến dịch tiêm chủng có mục tiêu chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các nhân viên y tế, người trưởng thành từng hoặc nghi ngờ tiếp xúc với người mắc bệnh đầu mùa khỉ nên được tiêm phòng. Cơ quan này khẳng định, chiến lược phản ứng sau phơi nhiễm này rất có ý nghĩa, bởi thời gian ủ bệnh của virus thường từ 6 đến 16 ngày. Loại vaccine được khuyến nghị là vaccine đậu mùa khỉ thế hệ thứ 3 và thời gian lý tưởng nhất để tiêm là trong vòng 4 ngày và tối đa 14 ngày sau khi tiếp xúc.
Với 5 trường hợp mắc bệnh được xác nhận, ngày 24/5, nước Đức đã đặt hàng 40.000 liều vaccine đậu mùa khỉ để sẵn sàng tiêm chủng cho những người tiếp xúc với bệnh đầu mùa khỉ nếu dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, trước mắt, nước này đang cân nhắc các biện pháp phòng ngừa khác, trong đó có cách ly ít nhất 21 ngày đối với người nhiễm bệnh.
Theo Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach, dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay có thể kiểm soát được và không có dấu hiệu cho thấy bệnh sẽ phát triển thành một đại dịch mới.
Lo ngại nhưng không hoảng sợ
Trong đợt bùng phát dịch bệnh này, chỉ riêng số trường hợp được phát hiện bên ngoài châu Phi trong tuần qua đã vượt qua tổng số trường hợp được phát hiện bên ngoài châu lục kể từ năm 1970, khi loại virus này lần đầu tiên được phát hiện gây bệnh cho người. Sự lây lan nhanh chóng này là điều khiến các nhà khoa học phải cảnh giác cao độ.
Tuy nhiên, Jay Hooper, nhà virus học tại Viện Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm của Quân đội Mỹ ở Fort Detrick, Maryland cho biết bệnh đậu mùa khỉ không phải là SARS-CoV-2 gây ra đại dịch COVID-19. Nó không dễ dàng truyền từ người này sang người khác, và vì nó có liên quan đến virus đậu mùa nên đã có sẵn các phương pháp điều trị và vaccine để hạn chế sự lây lan. Vì vậy, mặc dù lo ngại, nhưng các nhà khoa học không hề hoảng sợ.
“Không giống như SARS-CoV-2, lây lan qua các giọt nhỏ trong không khí, bệnh đậu mùa khỉ được cho là lây lan khi tiếp xúc gần với các chất dịch cơ thể, chẳng hạn như nước bọt do ho. Điều này có nghĩa là một người bị bệnh đậu mùa khỉ có khả năng lây nhiễm cho những người tiếp xúc gần gũi ít hơn nhiều so với một người bị SARS-CoV-2”- Nhà virus học Hooper nói.
Cả hai loại virus đều có thể gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, nhưng bệnh đậu mùa khỉ cũng gây ra các hạch bạch huyết mở rộng và cuối cùng là các tổn thương chứa đầy chất lỏng đặc biệt trên mặt, bàn tay và bàn chân. Hầu hết mọi người đều khỏi bệnh trong vài tuần mà không cần điều trị.
Tổ chức Y tế thế giới nhấn mạnh, chưa cần tiêm đại trà vaccine để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ, bởi các biện pháp, trong đó có vệ sinh tốt và tình dục an toàn, vẫn có thể khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Cơ quan Y tế Liên Hợp Quốc cũng cho biết sẽ sớm tổ chức thêm các cuộc họp nhằm đưa ra những khuyến nghị mới hỗ trợ các nước thành viên đối phó với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận