Tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính "bí ẩn"
Những ngày gần đây có nhiều thông tin về virus viêm gan cấp tính “bí ẩn” ở trẻ nhỏ xuất hiện ở hơn 20 quốc gia, trong khi các nhà khoa học vẫn chưa xác định chính xác được nguồn lây, nguyên nhân hay dịch tễ.
Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhưng Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính; triển khai bao phủ vaccine ngừa viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng và thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan.
Ngày 9-5, Bộ Y tế có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân. Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại cơ sở y tế để xác định căn nguyên, thực hiện tốt khám sàng lọc, phát hiện sớm những trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời, hạn chế biến chứng.
Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, trên thế giới đã ghi nhận ít nhất gần 300 trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu tại Anh, Tây Ban Nha, Israel, Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu. Khu vực châu Á cũng đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên tại Nhật Bản vào ngày 25-4. Hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên, có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan. Các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện như: Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Hầu hết các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (như virus viêm gan A, B, C, D và E). WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu (ECDC) cho biết, hiện nguyên nhân chính xác gây viêm gan ở những bệnh nhi này vẫn chưa được tìm ra.
Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng khoa Gan mật, Bệnh viện Nhi Trung ương, tới nay, dù đã phát hiện tới gần 300 trường hợp trẻ mắc viêm gan cấp tính tại hơn 20 nước trên thế giới nhưng nguyên nhân, dịch tễ, nguồn lây và đường lây bệnh này chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đã được ghi nhận ban đầu, trong đó các nhà khoa học chú ý nhiều tới một chủng virus có tên Adeno, thường gặp ở trẻ em. Theo bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa, Adeno virus phát hiện ở 30% (trên tổng số 228 trẻ) số ca bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân. Riêng ở Hoa Kỳ, cập nhật tới ngày 6-5 có tới 50% ca bệnh dương tính với Adeno virus chủng 41. Đây chỉ là một lưu ý về hướng tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh, còn để có kết luận chính xác cần nghiên cứu thêm của các nhà khoa học trên thế giới. Virus Adeno được phát hiện từ năm 1953 với 57 tuýp với 7 loài. Ở người, virus này có thể gây bệnh với nhiều dạng tổn thương. Dẫn chứng cho nhận định virus Adeno khá thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em, bác sĩ Nguyễn Phạm Anh Hoa cho hay, dịch đau mắt đỏ ở nước ta trong mùa hè là do Adeno virus. Đây cũng là nguyên nhân gây tổn thương viêm đường hô hấp, viêm phế quản ở người lớn chỉ sau cúm. Tổn thương dạ dày, ruột do Adeno virus cũng xếp thứ hai sau Rotavirus.
Để sàng lọc và phát hiện sớm bệnh, từ tuần trước, Bệnh viện Nhi Trung ương đã xây dựng các bộ câu hỏi ghi nhận, sàng lọc bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn. Các bệnh nhân ở phòng khám nếu có triệu chứng nghi ngờ sẽ được làm xét nghiệm liên quan để xác định tổn thương gan. Tùy từng bệnh nhân sẽ làm xét nghiệm chuyên sâu hơn để tiếp cận chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Với trẻ từ 1 đến 16 tuổi, khi có các triệu chứng: Sốt nhẹ, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, vàng da... cha mẹ cần đưa con tới bệnh viện để thăm khám, giám sát y khoa. Bác sĩ cũng khuyến cáo các xét nghiệm men gan cần thực hiện ở các đối tượng nguy cơ cao, không cần thực hiện đồng loạt xét nghiệm men gan vì không cần thiết.
HÀ VŨ (Nguồn QĐND)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận