Việt Nam sẽ có một năm xuất khẩu 'bùng nổ', đạt kỷ lục mới
Mọi ngành nghề đều khởi sắc; xuất khẩu sẽ đạt kỷ lục mới
Theo TTXVN, Báo Finanzmarktwelt của Đức (Thế giới thị trường tài chính) vừa đăng bài viết nhấn mạnh Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn sau dịch COVID-19, mọi ngành nghề đều có dấu hiệu khởi sắc. Xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ đạt kỷ lục mới.
Theo bài báo, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc chiến chống Covid-19 do sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Giờ đây, quốc gia Đông Nam Á này đã mở cửa hoàn toàn, cả với du khách nước ngoài.
Dù biến thể Omicron vẫn còn lây lan rộng, song Việt Nam đã chọn cách sống chung an toàn với dịch.
Bài viết nhấn mạnh, trong tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục với tổng trị giá 67,37 tỷ USD, trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 34,71 tỷ USD, vượt kỷ lục trước đó đạt được vào tháng 7/2021.
Theo truyền thống, tháng 7 sẽ là tháng bận rộn nhất trong năm bởi vào tháng này, các sản phẩm phục vụ dịp Giáng sinh sẽ được xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ. Do vậy, các nhà phân tích nhận định Việt Nam sẽ có một năm đạt kỷ lục mới.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2022.
Điện tử là cơ sở cho sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam
Cũng theo bài báo, các sản phẩm điện tử, nhất là điện thoại di động, là cơ sở cho sự bùng nổ xuất khẩu của Việt Nam.
Quốc gia này cũng đang mở rộng chuỗi cung ứng, tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị, thay vì chỉ lắp ráp điện thoại di động như trước đây.
Ngành dệt may, vốn cần nhiều lao động, cũng đang có xu hướng khởi sắc. Trong năm 2022, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), xuất khẩu hàng dệt may trong hai tháng đầu năm nay đạt gần 8,2 tỷ USD, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may dự kiến đạt 12,7 tỷ USD.
Hội Dệt May Thêu đan TP. Hồ Chí Minh (AGTEK) cho biết, nhiều công ty dệt may đã nhận đủ đơn hàng để sản xuất tới giữa năm nay, một số công ty thậm chí có đơn hàng đến hết tháng 9. Trong khi đó, ngày càng có nhiều công ty phải từ chối đơn hàng vì không có đủ nhân lực để sản xuất.
Ngoài dệt may, các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam cũng đã nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ đang vận hành hết công suất cho tới quý III/2022. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế có kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Theo chuyên gia kinh tế Tim Lee Lahaphan của ngân hàng Standard Chartered, ngày càng nhiều doanh nghiệp quốc tế có kế hoạch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam - quốc gia được coi là trung tâm sản xuất hàng điện tử, dệt may và da giày trong khu vực.
Theo bài viết, không chỉ ngành sản xuất và ngoại thương bùng nổ, du lịch nội địa của Việt Nam cũng đang rất khởi sắc. Cuối tuần qua là dịp nghỉ lễ kéo dài ở Việt Nam, trong đó nhiều chuyến bay, tàu hỏa đến các điểm du lịch gần như kín chỗ.
Lượng khách đi máy bay trong kỳ nghỉ lễ kéo dài ước tính tăng từ 25 - 30% so với tháng trước và tăng khoảng 90 - 95% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ giữa tháng 3, Việt Nam thông báo mở cửa biên giới cho du khách quốc tế, nối lại hoàn toàn các hoạt động du lịch quốc tế cũng như dỡ bỏ các quy định về cách ly đối với du khách nhập cảnh. Du lịch có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.
Trước đại dịch, năm 2019, du lịch chiếm 9,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, với trên 18 triệu lượt du khách quốc tế.
Chính phủ Việt Nam mong muốn thúc đẩy sớm phục hồi du lịch để bù lại những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra trong hai năm qua./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận