Xuất khẩu cá tra đang hồi sinh ở nhiều thị trường lớn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm nay nổi bật một “màu xanh tăng trưởng” ở hầu hết các thị trường lớn...
Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu (XK) đạt 384,8 triệu USD, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK cá tra sang một số thị trường hàng đầu tăng trưởng tới ba con số. Các doanh nghiệp (DN) cá tra Việt Nam hi vọng rằng, xu hướng này tiếp tục duy trì cho tới cuối năm.
Trong đó, tính tới hết tháng 2/2022, tổng giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tháng 2/2022, giá trị XK đạt gần 42 triệu USD, tăng 167%. Kết thúc tháng 2, Mỹ là thị trường XK cá tra số 1 của các DN Việt Nam.
Dự báo sự phục hồi và nhu cầu tiêu thụ mạnh của thị trường Mỹ vẫn tiếp tục trong nửa đầu năm nay. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức từ 30.000 - 32.000 đồng/kg thúc đẩy giá XK trung bình tăng. Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh nhập khẩu (NK) từ Việt Nam, thêm DN cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ, dự báo giá trị XK cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Hai tháng đầu năm 2022, tổng giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 85,8 triệu USD, tăng 239,6% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 22,3%. Với kết quả này, Trung Quốc - Hồng Kông đang đứng vị trí là thị trường XK cá tra lớn thứ 2 (sau Mỹ). Trong hai tháng đầu năm nay, XK cá tra Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều khó khăn do chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm đông lạnh NK của Trung Quốc.
Cho tới nay, hoạt động XK cá tra sang thị trường Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Điều đáng chú ý, trong thời gian này, giá trị XK cá tra sang Hồng Kông tăng trên 111% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực sau gần 2 năm, XK cá tra Việt Nam sang Hồng Kông không ổn định.
Với khối thị trường CPTPP, xất khẩu cá tra trong hai tháng đầu năm nay đạt 52,5 triệu USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK sang Mexico đạt 18,3 triệu USD, tăng 23,3%; sang Canada đạt 9,6 triệu USD, tăng 81,5%; sang Australia đạt 6,8 triệu USD, tăng 19%; sang Malaysia đạt 5,6 triệu USD, tăng gần 165%. Nếu tình hình covid trên thế giới được kiểm soát tốt, kinh tế bình thường trở lại, dự báo trong ít nhất hai quý tới, XK cá tra sang CPTPP tăng trưởng dương tới hai con số.
Trong khi đó, sau ít nhất 2 năm liên tiếp, XK cá tra sang EU giảm sút, số lượng DN Việt Nam rút khỏi thị trường này cũng gia tăng. Trước khi dịch Covid-19 đến tâm điểm Châu Âu thì XK cá tra sang khối thị trường này đã bộc lộ nhiều điểm thiếu hấp dẫn khi nhiều tháng liên tiếp tăng trưởng XK rơi xuống mức âm. Nhưng bắt đầu từ năm 2022, có những hi vọng trở lại ở thị trường này.
Hai tháng đầu năm 2022, giá trị XK cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị XK sang Hà Lan đạt gần 10 triệu USD, tăng 78,3%; Đức đạt 3,4 triệu USD, tăng 98%; Bỉ đạt 2,8 triệu USD, tăng 64,3%; Tây Ban Nha đạt 2,7 triệu USD, tăng 53%.
Ngoài các thị trường XK chính trên, giá trị XK cá tra sang các thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Thái Lan, UAE, Anh cũng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm ngoái.
XK cá tra đang hồi phục sau hơn 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tuy nhiên, các DN chế biến, XK đang phải đối mặt với thiếu nguyên liệu, giá cá nguyên liệu tăng đột ngột, cước vận tải tăng theo giá xăng dầu thế giới… Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng XK vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận